Kết quả lợi nhuận các ngân hàng 9 tháng đầu năm nay có sự phân hóa khá rõ,tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay có nguy cơ thấp xa mục tiêu…
Tính đến ngày 20/10/2023, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III, trong đó đa phần ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có một vài ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, song đà tăng nhìn chung là không đáng kể. Tương tự diễn biến trong 6 tháng đầu năm, thu nhập từ lãi cũng như thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại đều kém tích cực do tăng trưởng tín dụng thấp cũng như hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) suy giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tín dụng đã tăng nhanh hơn từ tháng 8, song đà tăng của 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11,05% của cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm trong các quý gần đây, điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp, cũng như thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động bancassurance thu hẹp khi Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng từ cuối tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, yếu tố lớn nhất kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III đến từ việc chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh. Việc chi phí trích lập dự phòng gia tăng trong những quý gần đây không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng là hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu.
Một trong những yếu tố lớn nhất tác động đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới là tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng gần 7% so với đầu năm, còn cách khá xa so với mục tiêu 14 – 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm. Để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại lên 11 – 24%. Đồng thời, cơ quan quản lý nỗ lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhằm tiếp cận được doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm. Một trong những lý do chính mà một số ngân hàng không đẩy mạnh cho vay trong nửa đầu năm là tỷ lệ nợ xấu đã vượt lên trên 3%, do đó các ngân hàng buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, triển vọng phục hồi của các ngành sản xuất tiêu dùng mới xuất hiện từ tháng 8, tháng 9 và chưa thật sự rõ nét, chưa thật sự kích thích được nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Theo đó, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng khó vượt qua mức 10% trong năm nay.
Ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng, chi phí trích lập dự phòng vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại trong quý IV. Chi phí trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng do các ngân hàng thường mạnh tay xóa nợ xấu vào quý cuối năm nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3%. Ngoài ra, một số ngân hàng có chính sách cẩn trọng hơn khi xếp loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, song vẫn trích lập đầy đủ.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)