Đa số các chuyên gia đều nhận định tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm 2020 tiếp tục ảm đạm, thậm chí là kém khả quan hơn cả tình hình 6 tháng đầu năm.
Theo Báo cáo vĩ mô tháng 8 do CTCK Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho biết, BVSC kỳ vọng tín dụng trong 4 tháng còn lại của năm 2020 sẽ dần có sự cải thiện so với 8 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư.
Đa phần các chuyên gia kinh tế cũng nhận định tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn ảm đạm cho những tháng còn lại của năm 2020.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay dĩ nhiên thấp hơn năm ngoái nhiều, mục tiêu 14% chắc chắn không thể đạt được. Năm nay, nếu Chính phủ muốn tăng trưởng GDP ở mức 3-4% thì tín dụng phải tăng trưởng ở mức 7.5-10%. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, ngay cả mức tăng trưởng tín dụng 7.5% cũng rất khó đạt được. Nên “năm nay tăng trưởng tín dụng đâu đó khoảng 8%”, TS. Hiếu dự báo.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 khoảng 8-9%.
Đánh giá có phần khả quan hơn, bà Nguyễn Hoài Thu Thảo – Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Shinhan cho biết, tính đến hết tháng 08/2020, tăng trưởng tín dụng đạt mức 5.81%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 là 19%. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến hầu hết các nhóm khách hàng từ cá nhân, hộ kinh doanh đến doanh nghiệp trong khi động lực tăng trưởng tín dụng lại chủ yếu đến từ các khoản vay tiêu dùng và mua nhà. Trong những tháng còn lại của năm 2020, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn những tháng đầu năm do tình hình kiểm soát dịch tốt ở làn sóng thứ 2, tuy nhiên cũng sẽ chỉ dao động ở mức 10-11%.
Cũng nhận xét tình hình tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm không mấy khả quan hơn nửa đầu năm, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định tình hình thậm chí còn có thể xấu hơn. Ông Khánh đưa ra một số yếu tố hỗ trợ cho quan điểm không mấy khả quan này.
Ông Khánh cho biết tăng trưởng tiền gửi có vẻ khả quan nhưng tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua lại rất yếu. Bởi vì kinh tế hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào kinh tế trong nước và mô hình lại mang tính chất phòng thủ nhiều, đa phần các doanh nghiệp sẽ không còn xu hướng vay tiền để đầu tư, mở rộng kinh doanh nữa.
Tình hình các doanh nghiệp bị phá sản trong nửa đầu năm ngày càng tăng, theo con số thống kê ông Khánh cho biết, các doanh nghiệp gặp khó khăn do không có khách hàng chiếm 81% và gánh nặng chi trả đến các khoản phí liên quan đến người lao động là 72%. Số lượng doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động âm lên đến 75%. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chỉ có 3%. Theo ông Khánh, doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thì như vậy họ sẽ không có nhu cầu vay tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một yếu tố nữa góp phần làm cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm gặp khó khăn là đường bay quốc tế hiện nay vẫn chưa mở lại liên tục như trước. Nếu như trước đây thương mại đến từ cả 2 chiều trong nước và quốc tế, thì bây giờ chỉ phụ thuộc chủ yếu vào trong nước mà lại còn không khả quan như trước. Những doanh nghiệp truyền thống sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn doanh nghiệp công nghệ. Hiện nay, những doanh nghiệp truyền thống trong nước đang buộc phải chuyển đổi, áp dụng yếu tố công nghệ để phục hồi và vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Yếu tố gián tiếp tác động đến tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay là tình hình nợ xấu tại các ngân hàng. Hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng đang tăng và các nhà băng đang bán giải chấp hàng chục lần và mỗi lần lại giảm từ 5-10%, nhưng đến nay vẫn chưa thể nào bán hết được các tài sản này. Một vấn đề nữa là hiện nay, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ được giãn nợ, chưa được xếp vào nợ xấu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chính vì vậy báo cáo từ các ngân hàng chưa thể hiện được một phần các khoản nợ này. Vì vậy, khi chính sách hết hiệu lực, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu, cho nên các ngân hàng sẽ cần phải cân nhắc về các khoản tín dụng này.
Trước đó, NHNN cũng đã có động thái tiếp nhận đề nghị điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) của một số ngân hàng và đang tổng hợp xem xét. Theo đó, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức cho một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt, đưa tín dụng chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Cát Lam