NHNN cho biết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định thì đượcTCTD xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của TCTD. Do đó, đề nghị người dân cần làm việc với các TCTD để được xem xét, xử lý theo đúng quy định. Hiện nay, NHNN đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân nhắc, tính toán kỹ, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 3 lần lãi suất điều hành. Đến nay, dưới góc độ vĩ mô, NHNN cho rằng mặt bằng lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cơ bản ổn định và phù hợp.
Cùng với việc phân tích diễn biến thị trường thực tế, NHNN nhận thấy vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, hay còn gọi là thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Ở đầu ra, trong bối cảnh hiện nay, cầu tín dụng ra nền kinh tế còn khá thấp, do đó, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới cập nhật, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong tuần qua (9/8 -13/8), thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung nội tệ được cải thiện. Lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ 0,06 – 0,07 điểm%, kết tuần ở mức 0,90%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 1,04%/năm cho kỳ hạn một tuần.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,66% so với đầu năm và tăng 1,13% so với tháng 6 – mức tăng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh. Theo SSI Research, nhìn chung, với các số liệu thống kê đã công bố, đợt bùng phát lần thứ 4 chưa có nhiều tác động mạnh tới tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 7 (ngoại trừ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ).
Tuy nhiên, khi việc giãn cách tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác tiếp tục kéo dài sang tháng 8 và nhiều khả năng sang tới tháng 9, các biện pháp tài khóa và tiền tệ đã được sử dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển phương thức giao dịch của việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay. Điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản kịp thời cho hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì tích cực.
Bên cạnh đó, ngoài các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho vay trước đó, 4 ngân hàng quốc doanh cũng đã công bố thêm gói hỗ trợ lãi suất tổng trị giá 4.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng và doanh nghiệp tại các tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16. “Nhờ vậy, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong ngắn hạn, trong khi đó lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động”, theo SSI Reseach.
Tĩnh Kiên