Tại hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong vài năm gần đây, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS. Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các đạo luật có tác động trực tiếp đến thị trường BĐS, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Trong đó, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Hai dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hồi tháng 6 vừa qua. Đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến thông qua vào Kỳ thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023.
“Việc sửa đổi, hoàn thiện hai đạo Luật lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và BĐS, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và BĐS tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Chia sẻ về thị trường BĐS thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Khôi Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế, một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và nhìn chung, một số vấn đề “căn cơ” của thị trường chưa được giải quyết (pháp lý, nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cung cầu…).
Ông Khôi chỉ ra có 3 vướng mắc cơ bản đó là liên quan đến pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch, về dòng vốn…
“Đối với những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS, những khó khăn từ chính sách, pháp lý đến từ nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai, về quy hoạch, về đầu tư… Đặc biệt về dòng vốn, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn không dễ dàng, chủ yếu do ba vấn đề là mức lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường ( lãi suất 11-12%/năm)”, ông Khôi phân tích.
Theo ông Khôi, việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Động thái này đang có hiệu ứng tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế và các doanh nghiệp BĐS.
Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn. Đó là chưa kể tiết kiệm chi phí tiền lương, máy móc thiết bị,… cho cả năm.
Nhận định về xu hướng phát triển thị trường, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo, thị trường BĐS nước ta hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III năm 2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính…
Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường BĐS sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu như Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo dõi thị trường BĐS qua 3 thời kỳ với những biến động như phát triển rực rỡ và đi xuống. Tôi nghĩ là thị trường này có tính chu kỳ. Đến năm 2022, thị trường BĐS đi xuống, Chính phủ đã có nhiều chính sách, và hỗ trợ từ ngân hàng, tôi thấy rằng thời gian phục hồi có thể được rút ngắn hơn so với những năm trước, song đến năm 2024 mới có thể phục hồi được.
Cũng theo ông Hà, ngoài những nguyên nhân đã nêu về cơ chế chính sách, thể chế thì còn có vấn đề về nguồn vốn của thị trường. Chúng ta thấy thị trường BĐS gắn liền chặt chẽ với thị trường tín dụng và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay. Thế nhưng rõ ràng nguồn vốn cho thị trường từ 2 nguồn tín dụng và trái phiếu là không bền vững.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)