Các đợt phát hành từ đầu năm đến nay có lãi suất trung bình 9,1%/năm, kỳ hạn dao động từ 1,5 đến 8 năm. Những con số này đánh dấu sự sôi động và tăng trưởng trở lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 29/9/2023, đã có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 9 với tổng giá trị 13.865 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,1%/năm, kỳ hạn dao động từ 1,5 đến 8 năm.
Những con số này đánh dấu sự sôi động và tăng trưởng trở lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên thị trường, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 160.253 tỷ đồng, bao gồm 20 đợt phát hành ra công chúng trị giá 18.289 tỷ đồng, chiếm 11,41% tổng giá trị phát hành và 131 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 141.964 tỷ đồng, chiếm 88,59% trên tổng số.
Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 69.710 tỷ đồng (chiếm 43,5%) trái phiếu phát hành, theo sau là nhóm bất động sản với 55.607 tỷ đồng (chiếm 34,7%).
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 9.249 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/2023. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 177.693 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng vẫn giữ vững vị thế là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 50,6% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 89.881 tỷ đồng.
Trong 3 tháng còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn theo thống kê của VBMA là 89.061 tỷ đồng. Cơ cấu trái phiếu đáo hạn bao gồm 33% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 29.644 tỷ đồng, theo sau đó là nhóm doanh nghiệp Ngân hàng với 27.161 tỷ đồng (chiếm 30%).
Trong thời gian tới, có 2 lô trái phiếu đã được lên kế hoạch phát hành thuộc về Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An và Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 16 năm vào hôm thứ Ba (3/10). Tại Đức, con số này chạm mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011. Ngay cả ở Nhật Bản với lãi suất chính thức vẫn dưới 0%, lợi suất trái phiếu đã quay trở lại mức như năm 2013.
Bởi vì chi phí đi vay của chính phủ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ lãi suất thế chấp đối với chủ sở hữu nhà đến lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, nên có rất nhiều lý do để lo ngại.
Sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu bằng cách nâng cao lợi nhuận mà các nhà đầu tư có thể thu được bằng cách mua trái phiếu thay vì cổ phiếu.
Thị trường đang ngày càng tính đến việc lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Với lạm phát cơ bản tăng cao và nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt, các ngân hàng trung ương đang đẩy lùi thời gian cắt giảm lãi suất.
Thị trường đang dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 4,7% vào cuối năm tới từ mức 5,25% -5,5% hiện tại, tăng so với mức 4,3% mà thị trường dự đoán vào cuối tháng 8.
Điều đó làm tăng thêm lo ngại về triển vọng tài chính sau khi Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào tháng 8 do mức thâm hụt cao.
Thâm hụt cao hơn có nghĩa là doanh số bán trái phiếu nhiều hơn cũng như các ngân hàng trung ương bán bớt lượng nắm giữ khổng lồ của họ, do đó lợi suất dài hạn đang tăng lên khi các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất nhiều hơn.
Các nhà phân tích cho biết, nhiều nhà đầu tư cũng đang đặt cược lợi suất trái phiếu sẽ giảm, do đó, họ cực kỳ nhạy cảm với những động thái theo hướng ngược lại.
Tổng Hợp
( Asean Times, ĐTCK)