Mới đây, sự việc một chủ xe máy điện VinFast Klara A1 sau nhiều năm sử dụng đưa xe đi thay pin “trôi nổi” và suýt xảy ra hậu quả đáng tiếc, đã dấy lên cuộc tranh luận về việc “cần hay không cần dùng pin chính hãng”. Theo chuyên gia, việc ham rẻ và phớt lờ cảnh báo của nhà sản xuất trong việc dùng pin độ, chế sẽ mang tới nhiều rủi ro khó lường.
Tưởng tiết kiệm nhưng “tiền nào của nấy”
Mua chiếc VinFast Klara A1 hơn 5 năm trước, chị Thu Phúc (TP Hồ Chí Minh) từng phải thay pin do một lần bất cẩn trong sử dụng. Thấy có người nói mua pin bên ngoài rẻ hơn là mua từ hãng, cũng như được quảng cáo quãng đường sử dụng dài hơn, chị Phúc chọn mua sản phẩm pin độ từ một xưởng sửa chữa gần nhà để thay cho xe. Một thời gian ngắn sau đó, bộ pin có dấu hiệu giảm hiệu suất như sạc chậm, dung lượng pin không được như cũ.
Những bài đăng của các xưởng độ, chế pin thường không đưa cụ thể thông tin nguồn gốc xuất xứ của pin mà chỉ quảng cáo về công suất, quãng đường…
“Sử dụng chưa đầy 1 năm nhưng pin xuống cấp như đã dùng 5-6 năm. Sạc thì chập chờn lúc được lúc không”, chị Thu Phúc than phiền. Chị Phúc cho biết, đã nhiều lần đem xe đến cửa hàng bán pin để kiểm tra, sửa chữa nhưng tình trạng không được giải quyết triệt để.
Sau đó, chị mang chiếc Klara A1 đi kiểm tra ở xưởng sửa chữa chính hãng thì được thông báo loại pin chị thay không tương thích với phần mềm điều khiển của xe. Pin này được ghép từ những cell pin nhỏ dạng tái chế, tức tận dụng lại từ pin cũ. Nếu tiếp tục sử dụng, xe có thể hư hỏng thêm nhiều chi tiết phần cứng lẫn phần mềm. Thậm chí, kỹ thuật viên xưởng dịch vụ khuyến cáo pin của chị không có hệ thống giải nhiệt tối ưu nên không loại trừ khả năng cháy nổ.
Theo khuyến cáo từ các hãng sản xuất cũng như giới chuyên gia trong ngành, việc sử dụng pin không chính hãng có thể mang lại nhiều rủi ro, thậm chí gây nguy hiểm cho khách hàng. Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh pin không chính hãng trên thị trường đa phần không có quy trình sản xuất, tái chế pin theo tiêu chuẩn nào, cũng không đưa ra thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của pin.
“Tưởng mua được rẻ nhưng thường xuyên trục trặc, chưa kể rủi ro về đoản mạch, cháy nổ. Đúng là tiền nào của đó”, chị Thu Phúc nói.
Nhất thiết phải dùng pin xe máy chính hãng
Pin vốn là trái tim của xe máy điện, bởi đây là bộ phận lưu trữ, cung cấp điện năng cho motor dẫn động bánh xe. Theo các chuyên gia, công nghệ sản xuất pin và hệ thống quản lý pin (BMS) là bí quyết tạo nên chất lượng cho mỗi thương hiệu khi cạnh tranh trên thị trường.
Tại Việt Nam, các hãng xe điện có quy mô sản xuất lớn đều định hướng tự phát triển hệ thống BMS – thành phần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giám sát và kiểm soát toàn bộ hoạt động của pin, đảm bảo sự an toàn cho người dùng. Đơn cử, với các mẫu xe điện như Klara A1, hệ thống BMS đã được các kỹ sư VinFast lập trình phù hợp với cấu hình, thông số và loại cell sử dụng cho khối pin.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu sản xuất các mẫu xe điện, VinFast đã đầu tư vào bộ phận nghiên cứu, phát triển riêng để làm chủ được khâu phát triển và sản xuất pin. Hệ thống dây chuyền cũng được lắp đặt với những tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cao nhất. Mỗi bộ pin chính hãng xuất xưởng đều đáp ứng các thông số về độ bền, tiêu chuẩn an toàn và được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Sử dụng pin chính hãng là cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Cụ thể, pin của Klara A1, một trong những mẫu xe làm nên tên tuổi thương hiệu xe máy điện VinFast, đã đạt các chứng nhận UN 38.3, IEC 62133, UL1642 cho cell và UN38.3, QCVN 91:2015/BGTVT cho cả bộ pin. Khi sử dụng cùng sạc tiêu chuẩn, khối pin chỉ mất 4 tiếng để sạc tới 90%.
Sau khi đổi lại pin chính hãng cho chiếc Klara A1, chị Thu Phúc cho biết, những hỏng hóc về phần mềm của xe đã được giải quyết triệt để.
“Thay pin rất nhanh chóng, bộ pin mới còn được bảo hành 3 năm, trong khi khối pin cũ loại không chính hãng tôi mua trước đó nói là được bảo hành 12 tháng nhưng họ làm qua loa, thậm chí là gần như mặc kệ mình, vừa tốn tiền vừa phiền toái. Thôi coi như là bài học nhớ đời”, chị chia sẻ.
Thu Hiền