Tại ngày 30/6 năm nay, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đang vay ngắn hạn 19.966 tỷ đồng. Đây là các khoản vay sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng.
Khoảng 2.800 tỷ đồng vay của HSBC (Singapore) sẽ đáo hạn vào ngày 8/1, khoảng 1.850 tỷ vay của BNP Paribas (Singapore) đáo hạn từ 11/8/2021 đến 29/6/2022.
Còn lại hơn 15.300 tỷ đồng sẽ phải được thanh toán hoàn toàn trong 6 tháng cuối năm 2021. Lịch thanh toán tập trung trong ba tháng của quý III. Các khoản nợ đến hạn nói trên không phải là con số lớn bất thường với Thế Giới Di Động. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã trả nợ gốc vay tổng cộng 27.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu 2020, con số cũng xấp xỉ 27.000 tỷ.
Nguồn tiền trả nợ của Thế Giới Di Động đến từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như từ đi vay mới. Trong hai quý đầu 2021, công ty đã vay gần 32.000 tỷ đồng, doanh thu cũng suýt soát 32.000 tỷ. Chi phí lãi vay 6 tháng vừa qua là 323 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ lãi tiền gửi là 443 tỷ, dư sức để trả lãi vay.
Cuối quý II, MWG ghi nhận tổng lượng tiền mặt và tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn lên đến 18.142 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 14.827 tỷ đồng cuối quý I và 15.405 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Lượng tiền mặt tăng mạnh, song phần lớn lượng tiền tăng thêm của Thế Giới Di Động đến từ nguồn vốn vay. Tính đến 30/6, MWG đi vay tổng cộng 21.095 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, tăng 2.058 tỷ đồng so với cuối quý I.
Đáng chú ý, dù có sự chênh lệch khá lớn giữa nợ vay và lượng tiền nắm giữ, Thế Giới Di Động vẫn thu được khoản lãi từ hoạt động quản lý vốn của mình. Số tiền lãi mà MWG thu được trong 6 tháng đầu năm từ dòng vốn lưu động trong quý II là hơn 443 tỷ đồng, chênh lệch 120 tỷ đồng so với khoản nợ vay phải trả 323 tỷ đồng tiền lãi.
Cương Nguyễn