Bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư. Tuy nhiên, đây là nhóm có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều biến động tăng mạnh nhưng cũng có nhiều phân khúc đã giảm sâu trong thời gian qua.
Tại Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4: “Chiến lược đầu tư thời Covid 19”, do Tạp chí Thương Gia phối hợp với CTCK KIS Việt Nam tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch, tình trạng “lệch pha cung-cầu” ngày càng rõ rệt.
Sự phục hồi này có thể sẽ bắt đầu thời điểm này và cả năm 2021. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) nhận định “sắp đến thời điểm vàng” của thị trường BĐS.
Có 2 nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra cho nhận định sự phục hồi này. Một là, Nhà nước đang có nhiều chính sách mới thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như: : Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là “Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai”, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Hai là, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với đó là dòng vốn đầu tư công và hạ tầng đang được đẩy mạnh là cơ sở thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội khiến thị trường BĐS sẽ sôi động trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm và cơ hội cho hoạt động đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư hiện nay đang có sự thay đổi rõ rệt.
Theo T.S Võ Trí Thành, nhiều phân khúc có tiềm năng lớn, thị trường bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Riêng bất động sản công nghiệp vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm và thêm dư địa phát triển.
Chuyên gia đến từ Savills Việt Nam đánh giá Covid-19 tác động lên mọi mặt của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, nhiều chủ đầu tư gặp khó về tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay. Thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10 – 20% còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay cực kỳ khó, huy động vốn từ khách hàng là bài toán nan giải.
Trong phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn 10 – 15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nguồn chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết ít nhất đến tháng 6/2021 không phải là thời của bất động sản đầu cơ. “Hãy đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính (dù tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi)”
Ông Thành cũng cho rằng sự phát triển của ngành bất động sản có xu hướng dồn về các địa phương giáp ranh các đô thị lớn TP HCM, Hà Nội… Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý 4 yếu tố khi đầu tư vùng ven, bao gồm tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư “đầu đàn” và cuối cùng mới tới tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Với ông Thành, tính kết nối của địa phương về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt quan trọng nhất khi lựa chọn địa phương để đầu tư.
Bất động sản, một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn với mỗi dự án có tổng mức đầu tư từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19, bao gồm cả thị trường kinh doanh nói chung và khía cạnh nguồn vốn nói riêng.
Đồng thời, dù nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn và nguồn cung hạn chế nhưng thị trường vẫn chững lại do khả năng tài chính của người dân bị thu hẹp, cũng như sức ép từ vấn đề pháp lí đã tồn tại từ lâu nay.