Ngày 2/7, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty đã đồng loạt thoái sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương.
Trước đó, Thaco rút chân khỏi Thủy sản Hùng Vương từ cuối năm 2020. công ty Trân Oanh và ông Trần Bá Dương nắm lần lượt 3,79% và 4,96% vốn tại công ty thủy sản này.
Phiên 2/7 của cổ phiếu HVG ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận trùng khớp với tổng số cổ phiếu cá nhân và đơn vị này thoái vốn với tổng giá trị thương vụ hơn 45,7 tỷ đồng. Giá HVG hôm 2/7 cũng tăng trần lên 3.100 đồng/cp sau 4 phiên liên tiếp không có giao dịch. Vào đầu tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Ủy viên Hội đồng quản trị cũng đã bán bớt 36,62 triệu HVG trong tổng số hơn 38,62 triệu đơn vị (tỷ lệ 17,01%) đang sở hữu để cơ cấu lại tài chính cá nhân. Như vậy ông Thịnh chỉ sở hữu 0,88% vốn tại Hùng Vương và không còn là cổ đông lớn tại đây sau khoảng 5 tháng đầu tư.
Hùng Vương từng được mệnh danh là “ông vua cá tra” từng có doanh thu đạt đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hàng loạt thương vụ thâu tóm từ vốn vay, từ năm 2016, công ty thủy sản này rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Riêng năm 2019, Hùng Vương lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, Hùng Vương quyết định bắt tay với Tổng Công ty Thadi – thuộc Thaco Group để giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn. Nhóm Thaco sau đó đã đầu tư tổng cộng khoảng 35% cổ phần Hùng Vương. Đồng thời, cả hai cùng bắt tay thành lập liên doanh sản xuất heo giống 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỉ đồng, với doanh thu dự kiến năm 2020 dự kiến 550 triệu USD. Trong đó, Thao rót vốn 65% vào liên doanh. Ngỡ như sự tham gia của Thaco là “ánh sáng cuối đường hầm” nhưng đến tháng 8/2020, Hùng Vương bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE và phía Thaco cũng đã thoái sạch số cổ phần tại HVG sau gần một năm đầu tư. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sau đó cũng áp dụng hạn chế giao dịch cổ phiếu HVG trên thị trường UPCoM do chậm công bố báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán. Theo báo cáo tài chính năm gần nhất công bố, Công ty kiểm toán Ernst & Young có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương.
CTCP Hùng Vương là một trong các công ty thủy sản thành lập sớm tại Việt Nam, được niêm yết trên sàn từ cuối năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu từ 120 tỷ đồng lên 2.270 tỷ đồng. Khoảng thời gian 2008 – 2014 được coi là giai đoạn thịnh vượng của Hùng Vương khi doanh thu bứt tốc, lợi nhuận có lúc đạt gần 500 tỷ đồng, gấp đôi chỉ sau một năm. Thời điểm đó, Hùng Vương được mệnh danh là “ông vua cá tra”, đi kèm với tên tuổi của Chủ tịch Dương Ngọc Minh khi lọt vào top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Song bước qua năm 2015, khi ngành cá tra có nhiều biến động, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá vốn thì lợi nhuận của Hùng Vương bắt đầu tụt dốc. Kể từ đó, “ông vua cá tra” đã chìm sâu trong thua lỗ, có năm lỗ hơn nghìn tỷ đồng. Hùng Vương sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao, trong bối cảnh vĩ mô ngành không thuận lợi. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu luôn duy trì từ 1,8 lần năm 2015 đến 3,6 lần vào năm 2019.
Dù tình hình kinh doanh không thuận lợi nhưng Hùng Vương lại đem tiền đi thâu tóm các doanh nghiệp khác. Sau đó, vào cuối năm 2017, công ty phải bán đứt các công ty con như Sao Ta cho nhóm cổ đông SSI, bán đi 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và các bất động sản. Hành động này của Hùng Vương nhằm tái cấu trúc, thoái bớt vốn những công ty thành viên không hiệu quả để có được nguồn tiền, duy trì hoạt động chung.
Cương Nguyễn