Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh do tác động của dịch bệnh, các ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lí tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ.
BIDV, VietinBank, Sacombank… ồ ạt chào bán bất động sản thế chấp
Từ đầu tháng 8 trở lại đây, BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank,… liên tục thông báo chào bán nhiều bất động sản bảo đảm với giá từ vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng.
Gần đây nhất, BIDV thông báo bán đấu giá 25 tài sản gồm 21 quyển sử dụng đất tại xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với diện tích từ 196 m2 tới 6.333 m2. Cùng với đó là ba nhà kho với tổng diện tích xây dựng gần 7.900 m2 và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo. Tổng giá trị khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên lên tới 282 tỉ đồng.
BIDV chi nhánh Phú Tài (TP HCM) cũng rao bán đấu giá Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP HCM và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc toà nhà này. Giá khởi điểm cho tài sản nguyên lô này là 378 tỉ đồng.
Vietcombank mới đây cũng thông báo bán đấu quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An với diện tích sử dụng hơn 143.000 m2 và máy móc thiết bị thuộc sở hữu của Công ty Ngọc Mekong. Tổng giá khởi điểm của lượng tài sản trên là hơn 78 tỉ đồng.
Chi nhánh Vietcombank tại Ninh Bình phát mại nhà xưởng của Công ty Bao bì Xi măng Tam Điệp tại Xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Giá khởi điểm cho lượng tài sản này là 21,8 tỉ đồng.
Agribank trong đầu tháng 8 cũng thông báo bán đấu giá hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP HCM với giá khởi điểm lần lượt là gần 19 tỉ đồng và 33 tỉ đồng.
Tại VietinBank, ngân hàng này đang chào bán khoản nợ của Công ty thực phẩm Ngọc Lâm (ở Long Biên, Hà Nội) với dư nợ tính đến ngày 31/7 là hơn 189 tỉ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ này là toàn bộ nhà xưởng, thiết bị của nhà máy bia và mì gắn liền với đất thuê của UBND TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chào bán các khoản nợ của Công ty TNHH Cung ứng vật tư xây dựng Gia Bảo và Công ty TNHH MTV Xây dựng Thủy Tiên với giá khởi điểm hơn 219 tỉ đồng. Các khoản nợ này có tài sản bảo đảm là hàng loạt quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Hà Nội.
Ngoài ra, VietinBank đấu giá 4 quyền sử dụng đất với tổng diện tích 33.049 m2 tại TP Hội An, tỉnh Quang Nam với giá khởi điểm hơn 496 tỉ đồng.
Không chỉ khối ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, các ngân hàng tư nhân cũng đẩy mạnh chào bán các dự án bất động sản để xử lí nợ xấu.
Điển hình như Sacombank, ngân hàng này đang chào bán một loạt động sản có giá trị lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó có quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù có diện tích hơn 20.800 m2 thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và hai quyền sử dụng đất có diện tích 12.669m2 tại quận 8, TP HCM. Giá bán khởi điểm là 711 tỉ đồng.
Cũng tại quận 8, ngân hàng đấu giá bán mảnh đất sản xuất kinh doanh tại 23 xóm Củi, phường 11 có tổng diện tích hơn 2.100 m2; diện tích xây dựng 1.981 m2 có giá khởi điểm là gần 137 tỉ đồng.
Tại quận Bình Thạnh, Sacombank bán lô đất cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích 6.382 m2, với giá khởi điểm 400,35 tỉ đồng. Ngân hàng cũng chào bán một khu đất có diện tích 52.976 m2 tại Bình Chánh với giá tối thiểu gần 398 tỉ đồng.
Ngày 14/8, SCB tổ chức phiên bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC Hưng Long. Mức giá khởi điểm cho khối tài sản này là 2.530 tỉ đồng.
Bên cạnh dự án trên, SCB cũng đang đấu giá bán quyền sử dụng đất của kho Phước Sơn, thuộc phường An Phú, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích quyền sử dụng động là 102.902 m2 bao gồm 6 nhà kho, 2 phân xưởng, 2 nhà văn vòng và các công trình phụ trợ khác. Giá khởi điểm của khu đất là 830 tỉ đồng.
Nợ xấu tăng nhanh và bất động sản vẫn là tài sản thế chấp chính
Các ngân hàng đẩy mạnh xử lí nợ xấu thế chấp bằng bất động sản khi dịch bệnh COVID-19 đang tác động nặng nề, khiến nhiều người dân và doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ.
Thống kê từ báo cáo tài chính bán niên 2020 cho thấy, hầu hết ngân hàng ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng so với cuối năm trước. Trong đó, nhóm Big 4, khối chiếm gần một nửa dư nợ toàn hệ thống, có qui mô nợ xấu tăng mạnh như VietinBank (tăng 47,7%), Agribank (tăng 40%), BIDV (tăng 16,8%), Vietcombank (tăng 10,8%). Bên nhóm ngân hàng tư nhân phần lớn cũng có số dư nợ xấu tăng ở mức hai con số.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Tương ứng với tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,86%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm trước (1,63%).
Trong khi đó, phần lớn khoản nợ tại các ngân hàng được thế chấp bởi bất động sản. Cụ thể, đến cuối quí II, 69% tài sản đảm bảo của Vietcombank là bất động sản; trong khi Agribank là hơn 89%. Con số này của BIDV, VietinBank, ACB và Sacombank cũng khoảng trên 80%.
Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01 giúp tạo cơ sở pháp lí để các ngân hàng tái cơ cấu nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chính sách này chỉ có tác động ngắn hạn và nhiều khả năng sẽ đẩy nợ xấu tăng mạnh trong tương lai.
Đánh giá về Thông tư 01, các chuyên gia phân tích của FiinGroup cho rằng hiện nay, theo qui định của NHNN, dư nợ được cơ cấu lại vẫn được tính là nợ đạt tiêu chuẩn và nhà băng không chuyển nhóm nợ, cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ này. Chính vì vậy, khi chính sách thay đổi (hết hạn cơ cấu nợ), thì nợ xấu có nguy cơ ập đến, bào mòn nợ xấu lợi nhuận ngân hàng.
Trong báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả tại Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV dự đoán nợ xấu nội bảng của các ngân hàng sẽ tăng nhanh, có thể đến 4% và nợ xấu gộp dự báo lên đến khoảng 6% cuối năm 2020 và còn cao trong năm 2021 khi Thông tư 01 hết hiệu lực và phải chuyển nhóm nợ xấu.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng