Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu và lợi nhuận cùng tăng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là doanh thu tăng, nhưng TTC Land chịu lỗ ngay từ hoạt động bán hàng, còn lợi nhuận lại đến từ các khoản nhập khác.
Kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2020 là một mảnh ghép trong bức tranh biến động của TTC Land trong những năm gần đây.
Kinh doanh ảm đạm
Trên báo cáo kết quả kinh doanh của TTC Land cho thấy, lũy kế cả năm 2020, công ty này đạt 918 tỷ đồng doanh thu thuần và 183 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 11% và 34%. So với mục tiêu doanh thu 2.056 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng TTC Land chỉ mới thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 52,6% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả này nhiều khả năng là TTC Land đang phải cố cắt lỗ để thu tiền về khi áp lực tài chính gia tăng gần đây. Mặc dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng đột biến nhưng cũng chỉ bù đắp phần nào, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong cả năm 2020 của TTC Land chỉ hơn 103 tỷ đồng, chưa tới 1/3 năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 180 tỷ đồng phụ thuộc phần lớn vào hoạt động khác.
Cuối năm 2020, doanh thu của TTC Land đạt hơn 574 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tăng chủ yếu từ mảng nhượng quyền sử dụng đất và bất động sản, tăng từ 124 tỷ đồng quý IV/2019 lên hơn 515 tỷ đồng trong quý IV/2020.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt là giá vốn của hoạt động này gần gấp đôi doanh thu, khiến TTC Land chịu lỗ gộp hơn 400 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trong kỳ phụ thuộc vào hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi thanh lý các khoản đầu tư và thu nhập khác, giúp lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2019.
Áp lực nợ vay nên thoái vốn
Cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của TTC Land đạt hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó nợ vay đã vươn lên với tỷ trọng cao nhất. Quy mô vay nợ ngắn và dài hạn của TTC Land đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm nay và gấp 5 lần so với 5 năm trước.
So với giai đoạn 2014-2015, nợ vay đến cuối năm 2020 đã có sự gia tăng đáng kể. Mặc dù tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của SCR mới ở ngưỡng 60%, con số không phải quá nghiêm trọng nếu so với những công ty bất động sản khác. Nhưng nếu so với chính TTC Land 5 năm trước, kết quả này là sự biến động mạnh.
Vay nợ tăng cao xong hoạt động kinh doanh không khởi sắc. Trước đó, năm 2019, kết quả kinh doanh của công ty này cũng chỉ bằng 1/3 so với năm 2018.
Trước đó, dưới áp lực tình hình khó khăn do Covid-19, TTC Land đã phải tái cấu trúc bằng cách thoái vốn tại một loạt các dự án để cải thiện tình hình tài chính.
Bán hàng thuận lợi giúp công ty có một cấu trúc tài chính mạnh, nhờ lượng vốn nhận trước từ khách hàng, tương đương 20-30% tổng nguồn vốn, có thời điểm lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn tiền này, nguồn vốn tự có của TTC Land cũng tương đối dồi dào nhờ tăng vốn liên tục, quy mô nợ vay trong giai đoạn này chỉ ở ngưỡng vài trăm tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đã thoái vốn 11% cổ phần Đầu tư Địa ốc Kim Thành sau hơn 3 năm nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 48%. Bên cạnh đó, TTC Land và công ty con cũng vừa thỏa thuận bán 39% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á với tổng giá trị thu về 956 tỷ đồng.
TTC Land cũng quyết định thanh hoán 3 trong số 18 lô đất nằm rải rác nhiều nơi không phù hợp quy hoạch để phát triển dự án với tổng diện tích 18 lô khoảng 4,7 ha nằm tại khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh với giá trị thu về là 97,1 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh tính đến cuối kỳ có sự cải thiện đáng kể với hơn 606 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận âm hơn 576 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng có sự cải thiện, ghi nhận gần 527 tỷ đồng trong khi cùng kì âm 227 tỷ đồng.
Nhật Hạ
Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng hơn 379 tỷ đồng lên hơn 6.526 tỷ đồng (chiếm 57% tổng tài sản, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu). Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm gần 2.786 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng mạnh chủ yếu từ mảng nhượng quyền sử dụng đất và bất động sản mạnh từ 124 tỷ đồng lên hơn 515 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao gấp gần 7 lần khiến TTC Land lỗ gộp hơn 418 tỷ đồng.