Lợi nhuận sau thuế trong quý I cũng đạt xấp xỉ 2,5 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước Apax Holdings từng báo lỗ hơn 170 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của Apax Holdings là 1.428 tỷ đồng, gấp 1,35 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh thu thuần của công ty là 466 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ, phần lớn đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế trong quý I cũng đạt xấp xỉ 2,5 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước Apax Holdings từng báo lỗ hơn 170 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hết quý I đạt 1.053 tỷ đồng với mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2,6 tỷ đồng.
Đầu năm nay, các trung tâm và trường học đã mở cửa trở lại vào tháng 1 còn tháng 2 và tháng 3 được phép hoạt động theo các chương trình dạy học online. Điều này đã góp phần giúp Apax Holdings gia tăng doanh thu trong quý I. Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh lên 11 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay của Apax Holdings cũng tăng lên 26 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ. So với mục tiêu đề ra, Apax Holdings đã thực hiện 16% kế hoạch doanh thu và 3% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 sau quý đầu tiên.
Khoản nợ phải trả cuối kỳ là 2.411 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nguồn vốn của công ty. Các khoản vay và nợ thuê tài chính là 1.428 tỷ đồng, tăng 347 tỷ đồng so với đầu năm và cao gấp 1,35 lần vốn chủ sở hữu của Apax Holdings. Trong đó, khoản vay trái phiếu hơn 735 tỷ đồng còn lại là vay từ ngân hàng. Dòng tiền thuần kinh doanh của Apax Holdings tiếp tục âm, đứng ở mức 45 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.
Không chỉ ngưng mở rộng quy mô doanh nghiệp, để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Cụ thể, dòng tiền tài chính cuối quý I đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) – trả nợ (268 tỷ đồng). Điều này cho thấy Apax Holdings vẫn đang ngày càng phụ thuộc vào việc đi vay, cũng như phụ thuộc hơn vào các chủ nợ. Và với hệ số nợ cao, lãi vay đè nặng, nguồn vốn lưu động phụ thuộc lớn vào tiền đi vay, rủi ro tài chính cho Apax Holdings rõ ràng không phải nhỏ.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường phản ánh chính xác chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm nhiều sẽ không đủ bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Từ đó, doanh nghiệp dễ bị kéo chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Và minh chứng là khối nợ tại Apax Holdings tiếp tục tăng. Đáng lưu ý, nợ ngắn hạn tại Apax Holdings luôn vượt quá tài sản ngắn hạn trong năm 2020 và nhiều năm nay. Cuối năm 2020, nợ ngắn hạn ghi nhận 1.694 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong khi đó tài sản ngắn hạn tại Apax Holdings chỉ đạt gần 1.371 tỷ đồng.
Phần lớn sự thay đổi đến từ việc các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng lên 303 tỷ đồng, cao hơn 200% so với thời điểm đầu năm. Một điểm đáng chú ý khác là công ty có phát sinh khoản chi phí ghi danh học sinh lên tới 51 tỷ đồng. Công ty cũng có một số khoản phải thu trong quý I, đặc biệt trong đó phải kể đến các khoản phải thu từ chính ông Nguyễn Ngọc Thủy với tổng giá trị 154 tỷ đồng.
Nhật Hạ