Riêng với lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là doanh nghiệp và phải đối mặt với khó khăn, thách thức chính. Đầu tiên là vấn đề nợ xấu đang gia tăng…
TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo & Nghiên cứu đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến tín dụng ngân hàng tăng thấp.
Đầu tiên, bối cảnh chung rủi ro, thách thức hơn, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả Việt Nam trở nên thận trọng hơn.
Thứ hai là do khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn (do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm (nhất là BĐS) bị giảm.
Thứ ba, do năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp (do thiếu đơn hàng, hoạt động SXKD bị thu hẹp, e ngại tình trạng trì trệ ở một bộ phận công viên chức);
Và cuối cùng, một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang suy giảm như BĐS, công nghiệp, dịch vụ khác và vay tiêu dùng.
Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp về Ngân hàng của World Bank Việt Nam, cho biết hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông, vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn. Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay.
“Số liệu thống kê của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy còn khá nhiều dư địa vay vốn nhưng do không có đơn hàng, không mở rộng quy mô sản xuất nên họ không có nhu cầu vay”, đại diện World Bank cho biết.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,73% so với đầu năm (đến nay giảm về mức khoảng hơn 4%), tương đương với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều cùng kỳ của các năm còn lại trong giai đoạn 2018-2022.
Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế.
Riêng với lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là doanh nghiệp và phải đối mặt với ba khó khăn, thách thức chính.
Đầu tiên là vấn đề nợ xấu đang gia tăng. Từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, đây cũng là thách thức lớn nhất mà ngành ngân hàng phải đối diện trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải đối mặt với việc biên lợi nhuận giảm. Xu hướng giảm lãi suất là rõ nét, kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1-1,2% so với đầu năm theo định hướng chung của Chính phủ và 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm hỗ trợ bên vay, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.
Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng giảm tiếp trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm sâu được (vì e ngại người dân dịch chuyển sang đầu tư kênh khác nếu lãi suất tiền gửi giảm sâu), khiến biên lợi nhuận cho vay tiếp tục thu hẹp.
“Thực tế biên lãi cho vay ròng (NIM) của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 3,3% năm 2022 xuống còn 3% hiện nay và có thể còn giảm thêm”, báo cáo phân tích của TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Ngoài ra, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các ngân hàng thương mại đặc biệt là với nhóm có sở hữu Nhà nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Tính đến cuối tháng 3/2023, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM có sở hữu Nhà nước là 9,57%, nhóm NHTM cổ phần là 11,58%, dù đã tăng nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các NHTM khu vực (khoảng 12-14%), trong khi đó việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, điểm tích cực là các NHTM đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và 1-2 năm tới.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)