Trong bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều áp lực nhưng kết quả hoạt động của NHNN vẫn được đánh giá cao. Dù vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ.
Đánh giá cao kết quả mà NHNN đã đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, báo cáo của NHNN và ý kiến của các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nghị quyết của Quốc hội, nhất là những áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết quả cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) còn hạn chế; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; quá trình cơ cấu lại các NHTM mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt còn kéo dài; vốn điều lệ của các NHTM nhà nước tăng chậm; áp lực nợ xấu tăng; hoạt động mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD còn tiềm ẩn rủi ro; tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường có xu hướng gia tăng…
Đơn cử như tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá,…
Có thể nói, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.
Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.
Thống đốc mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.
Với ngành ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, NHNN đã rà soát kĩ và thấy được nhiệm vụ tổng quát của hai nghị quyết này là thực hiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, đối với hoạt động ngân hàng là đảm bảo an toàn của thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tổng Hợp