Năm 2020 sẽ có nhiều dự án trọng điểm khi ngành giao thông dự kiến khởi công, với 18 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 92.384 tỷ đồng. Việc sớm hoàn thành những dự án này không chỉ nâng cao năng lực giao thông mà còn tạo sức bật kinh tế cho các địa phương, nhiều khu vực khác trên cả nước.
Nhiều dự án được kỳ vọng sẽ khởi động
Các dự án khởi công trong năm 2020 tập trung chủ yếu trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông và các dự án đường sắt thuộc danh mục 15.000 tỷ đồng vốn dư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và Dự án nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, 18 dự án này gồm: Cao tốc Phan Thiết.
Dầu Giây có chiều dài 99km với tổng vốn đầu tư 14.360 tỷ đồng; Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm.
Vĩnh Phúc có chiều dài 12km với tổng vốn đầu tư 13.687 tỷ đồng; cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (49,3km) tổng vốn đầu tư 13.338 tỷ đồng; cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc Lộ 45 (63km), tổng vốn đầu tư 12.918 tỷ đồng; cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu (43km, 8.381 tỷ đồng); cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (29 km, 5.058 tỷ đồng); cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (23,5km, 4.758 tỷ đồng); tăng cường kết nối khu vực Tây Nguyên (3.654 tỷ đồng).
Bên cạnh đó là các dự án cải tạo, nâng cấp cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (169km, 1.949 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang – Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (1.849 tỷ đồng); cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ (1.837 tỷ đồng); gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hồ Nội – TP Hồ Chí Minh (1.799 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội.
TP Hồ Chí Minh (1.399 tỷ đồng); hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội – Lào Cai Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên, khu đầu mối Hà Nội giai đoạn 2 (673 tỷ đồng); thành phần 1 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 (150 tỷ đồng); thành phần 2 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 (150 tỷ đồng); đầu tư xây dựng cầu Bến nước, cầu Suối Cóc và phần đường dẫn hai đầu cầu thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tuyên Quang (91 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong năm 2020, cả 2 đại dự án với tổng mức đầu tư khoảng 230.000 tỷ đồng là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng được triển khai.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP) với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước đầu tư tham gia là 55.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, mới đây Thường trực Chính phủ đã thống nhất chuyển 3 trong số 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội quyết định để khởi công trong tháng 8/2020.
Theo Bộ GTVT, đến nay đã khởi công 3 dự án thuộc đường cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công có vốn đầu tư 14.279 tỷ đồng là đoạn Cam Lộ – La Sơn (Quảng Trị), Cao Bồ – Mai Sơn (Ninh Bình) và cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang và Vĩnh Long. Hiện còn 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng (vốn BOT 51.702 tỷ đồng, vốn Nhà nước 36.532 tỷ đồng) đều đang trong quá trình sơ tuyển nhà đầu tư để tháng 10/2020 chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo PPP theo đúng nghị quyết 52 của Quốc hội.
Tuy nhiên, các dự án này có rủi ro không thực hiện được nếu ngân hàng không thu xếp được vốn vay cho các nhà đầu tư tham gia dự án.
Thế nên, tại cuộc họp mới đây, nhiều ý kiến cũng nhận định việc huy động nguồn vốn từ xã hội để đầu tư cả 8 dự án PPP của đường cao tốc Bắc – Nam gặp rất nhiều thách thức.
Do đó, Thường trực Chính phủ nhất trí sẽ trình Quốc hội quyết định đưa 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang triển khai theo hình thức PPP vào danh mục đầu tư công để khởi công trong tháng 8/2020 gồm: đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) đến quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 64km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.918 tỉ đồng; đoạn từ quốc lộ 45 đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.333 tỉ đồng; đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km, tổng mức đầu tư ự kiến 14.359 tỉ đồng.
Còn lại 5 dự án PPP thuộc đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và đoạn cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau sẽ thực hiện đầu tư PPP. Riêng đoạn cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa để dự án sớm được triển khai.
Thêm giải pháp bổ sung nguồn vốn
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngày 26/11/2019, Quốc hội đã có Nghị quyết số 95/2019/QH14 thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, với sự hỗ trợ của tư vấn thẩm tra quốc tế, Hội đồng thẩm định nhà nước đang khẩn trương hoàn thành công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án trong quý I/2020; trong đó, nội dung rất quan trọng là Thủ tướng Chính phủ xác định chủ đầu tư dự án.
Sau khi dự án đầu tư và chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo chủ đầu tư triển khai ngay công tác đấu thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, triển khai thực hiện thiết kế kỹ thuật, trong đó ưu tiên thiết kế trước hạng mục giao thông kết nối và hạng mục san nền để phấn đấu cuối năm 2020 tổ chức đấu thầu nhà thầu san nền làm cơ sở có thể khởi công dự án vào quý I/2021.
Trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng, đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án hạ tầng giao thông vẫn có nhiều rủi ro nên các doanh nghiệp có năng lực, thế mạnh về tài chính chưa quan tâm. Theo đó, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn; trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1/1/2018 và có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chính vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bên cạnh nỗ lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó sớm ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; đặc biệt là phát triển thị trường vốn dài hạn trong nước… Đây cũng là giải pháp căn cơ để thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế như hiện nay.