Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc đưa vào hồ sơ mời thầu (HSMT) các tiêu chí nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp thân hữu, sân sau làm méo mó hoạt động đấu thầu, làm xấu đi môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là tính cạnh tranh, công bằng, bình đẳng giữa các nhà thầu cùng tham dự thầu.
Có hiện tượng đưa tiêu chí không phù hợp vào HSMT
Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về phản ánh của Báo Đấu thầu liên quan đến tình trạng “cài cắm” tiêu chí không phù hợp về năng lực, kinh nghiệm trong HSMT.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Nghị định số 63), trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra công tác đấu thầu, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhà thầu, doanh nghiệp thời gian vừa qua, Bộ KH&ĐT nhận thấy, có hiện tượng các chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu và nhà thầu thông đồng với nhau đưa các tiêu chí không phù hợp vào HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC).
Cụ thể như: HSMT, HSYC yêu cầu quy mô, tính chất hợp đồng tương tự không phù hợp như hợp đồng tương tự phải của một chủ đầu tư cụ thể; ở một địa bàn, vùng miền cụ thể nào đó; khu biệt tính chất tương tự để hướng tới một sản phẩm, một nhà thầu nào đó… HSMT, HSYC đưa ra các yêu cầu về nhân sự không phù hợp như yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt quá cao so với yêu cầu của gói thầu, nhân sự chủ chốt phải thuộc biên chế hoặc có hợp đồng lao động dài hạn với nhà thầu, nhân sự phải được đóng bảo hiểm xã hội tại công ty của nhà thầu… Yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân sự; đưa ra các yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu không phù hợp như thiết bị phải thuộc sở hữu của nhà thầu, số lượng thiết bị không hợp lý, không cần thiết… Yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu của nhà thầu; yêu cầu tùy tiện về cung cấp hàng mẫu khi tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa mà trong đó có hàng chục, hàng trăm loại hàng hóa là các hàng hóa có sẵn trên thị trường.
Việc đưa ra các yêu cầu này là không phù hợp với quy định của Nghị định số 63, các thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về mẫu HSMT, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Cần giám sát, chấn chỉnh kịp thời
Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 (Chỉ thị 47) được ban hành, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã triển khai thực hiện, đôn đốc, chỉ đạo và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu tại đơn vị, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số người có thẩm quyền buông lỏng quản lý dẫn đến chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu cố tình không chấp hành thực hiện các nội dung của Chỉ thị 47, dẫn đến một số nhà thầu, doanh nghiệp gửi kiến nghị về Bộ KH&ĐT.
Để cảnh tỉnh các chủ đầu tư, bên mời thầu vẫn có tư tưởng nhóm lợi ích trong công tác đấu thầu, nâng cao nhận thức xã hội, bảo đảm công bằng, minh bạch, tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu và thực hiện nghiêm Chỉ thị 47, Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo cơ quan truyền thông của Bộ thực hiện các bài viết, phóng sự điều tra về thực trạng trên. Theo đó, với vai trò là cơ quan truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đấu thầu, ngày 2/3/2020, Báo Đấu thầu có bài viết “” phản ánh tình trạng “cài cắm” tiêu chí không phù hợp về năng lực, kinh nghiệm trong HSMT, nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Bài viết mang tính chất cảnh báo cho các chủ đầu tư, bên mời thầu khác không được đưa các yêu cầu không phù hợp, để công tác đấu thầu được cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, Bài viết giúp các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay những tồn tại nêu trên. Đồng thời, phản ánh các nội dung này đến các cơ quan có liên quan để thực hiện việc giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Báo Đấu thầu với chức năng là cơ quan báo chí của Bộ, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu cũng như tiếp tục thực hiện các bài viết, phóng sự phản ánh tình trạng tiêu cực trong công tác đấu thầu, thực hiện đúng Chỉ thị 47 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu.