Nhu cầu bất động sản đang ở mức thấp nên vấn đề cốt lõi đầu tiên vẫn phải là tăng tổng cầu cho thị trường và giải pháp tốt nhất để tăng tổng cầu là thông qua đòn bẩy tín dụng.
Cũng theo báo cáo của VARS, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi…, song hai bên vẫn khó gặp nhau do phần lớn doanh nghiệp bất động sản lúc này không còn đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
VARS cho biết, hiện nay, nhóm doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn vay lại đang gặp vướng mắc về pháp lý dự án nên không đủ điều kiện thế chấp tài sản vay vốn, trong khi nhóm sẵn sàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thì lãi suất cho vay vẫn ở ngưỡng cao là rào cản. Trường hợp còn lại là các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vượt qua vòng thẩm định hồ sơ nhằm tiếp cận nguồn vốn do còn vướng nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.
“Thực trạng này phần nào lý giải vì sao đến tận bây giờ, sau gần 5 tháng ban hành, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa phát sinh dư nợ”, đại diện VARS nói.
Các chuyên gia của VARS nhận định, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm giá bình dân, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân. Trong khi đó, hàng ngàn dự án vẫn đang bị “treo” chưa thể hoàn thiện để đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi vậy, giải quyết được vấn đề tại những dự án “treo” này chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ nguồn cung cho thị trường.
“Chúng ta nên xem xét, phân loại từng dự án. Với dự án gặp khó về tài chính thì tiến hành hỗ trợ kết nối nguồn phù hợp để vừa có thể ‘cấp cứu’ dự án, vừa đảm bảo an toàn cho bên cấp vốn, còn dự án vướng mắc thủ tục pháp lý thì cần giải quyết một cách cụ thể, dứt điểm yếu tố này. Dự án nào ‘treo’ lâu quá, không thể cứu được thì có giải pháp, cơ chế chuyển nhượng lại cho bên có khả năng để tiếp tục triển khai, nhanh chóng hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường”, đại diện VARS nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh, nhu cầu an cư của người dân rất lớn, kể cả trong ngắn và dài hạn, vấn đề lúc này chỉ là có sản phẩm phù hợp với mức giá hợp lý. Nếu có nhiều hơn các sản phẩm nhà ở pháp lý đầy đủ, giá cả phải chăng…, lượng giao dịch chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, doanh nghiệp này đang rất khó khăn, rất cần vốn nhưng không có tài sản thế chấp đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng bởi các dự án hoặc còn vướng pháp lý, hoặc chưa được phê duyệt quy hoạch.
Đại diện một doanh nghiệp khác cho hay, dù đã giảm so với đầu năm, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn cao, phổ biến từ 12-13%/năm, thậm chí có ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi vay 14-15%/năm.
“Dù có nhu cầu và đủ điều kiện nhưng cũng không dám vay vì lãi suất còn cao, vượt quá khả năng của doanh nghiệp thời điểm này, nếu cố vay thì gánh nặng tài chính sẽ rất lớn”, vị đại diện này nói, đồng thời đưa ra khuyến nghị, Nhà nước nên hướng đến cho vay đối với các dự án nhà giá thấp, dưới 3 tỷ đồng, để hỗ trợ chủ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu bất động sản đang ở mức thấp nên vấn đề cốt lõi đầu tiên vẫn phải là tăng tổng cầu cho thị trường và giải pháp tốt nhất để tăng tổng cầu là thông qua đòn bẩy tín dụng. Bởi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đối với bất cứ chủ thể nào cũng như “vớ được chiếc phao cứu sinh”.
Ông Châu cho biết, thời gian qua, các chủ đầu tư đã phải xoay xở đủ đường, từ hạ giá sản phẩm, chuyển nhượng dự án… đến sáp nhập doanh nghiệp, mà vẫn chưa thể “thoát khó”. Trong khi đó, các kênh huy động vốn quan trọng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay thu từ người mua nhà lại chưa được khơi thông, đặc biệt là kênh tín dụng vẫn còn khó tiếp cận.
Tổng Hợp
(ĐTCK)