Đã 2 tuần trôi qua, nhưng dư âm về vụ cháy thương tâm này vẫn được nhiều người nhắc tới. Nhiều người trả lời rằng, chung cư mini sẽ vẫn tồn tại và thậm chí còn phát triển hơn nữa khi mà quỹ đất ở nội đô ngày một khan hiếm, giá nhà không ngừng leo thang như hiện nay.
Báo cáo gần đây của Savills Việt Nam cho biết, Hà Nội đang phấn đấu có mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 150 triệu đồng/người/năm, con số này so với năm 2019 tăng khoảng 6%/năm, trong khi cùng thời gian, mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 lên tới 13%/năm.
Đó là số liệu tính theo phần trăm, còn giá bán thực tế căn hộ tại các dự án mới tại Hà Nội hiện ở quanh mức 4-4,5 tỷ đồng/căn. Như vậy, với mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/người/năm, người mua nhà cần ít nhất từ 25-30 năm mới có thể trả hết nợ khi vay mua nhà.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại TP.HCM, thu nhập bình quân của một hộ gia đình vào khoảng 15 triệu đồng/tháng, trong khi giá căn hộ ở một dự án mới hiện nay là 5,5-6 tỷ đồng/căn, tức là chênh lệch lên tới hơn 30 lần.
Chị Lê Thúy đang sinh sống tại một dự án chung cư mini gần Hạ Đình, Hà Nội kể: “Cả gia đình chị có 4 người, mỗi tháng thu nhập 25 triệu đồng, tằn tiện chi tiêu cũng để ra được 10 triệu đồng, mua nhà ở xã hội thì không đủ điều kiện, mà mua chung cư thương mại thì càng không đủ tài chính, cho nên chung cư mini là lựa chọn khả dĩ nhất, cho dù biết còn nhiều tồn tại liên quan tới loại hình nhà ở này.
Còn chị Ngọc Linh, chủ một căn hộ chung cư hơn 40 m2 tại Mỹ Đình cho hay, ngoài giá rẻ, người có tài chính hạn hẹp chọn mua căn hộ chung cư mini vì hàng tháng không mất nhiều phí dịch vụ như chung cư thương mại, so với nhà tập thể thì được xây mới đồng bộ, sạch sẽ hơn và quan trọng nhất là “nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại hàng ngày…”.
Trên thực tế, những người tìm đến chung cư mini đa phần là những cá nhân, hộ gia đình trẻ mới đi làm, người ở tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư. Hơn nữa, đối tượng mua loại hình nhà ở này đa phần là lao động có trình độ với đủ các ngành nghề như văn phòng, kế toán, bác sĩ, giáo viên… và không ít người trong đó nhận thấy rủi ro từ pháp lý không rõ ràng đến nguy cơ mất an toàn khi ở tại các chung cư mini này nhưng vẫn chấp nhận “nhắm mắt, đưa chân”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, nhưng có một thực tế là không nhiều doanh nghiệp muốn làm loại hình nhà ở này.
TS. Trần Xuân Lượng, giảng viên chuyên ngành bất động sản, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ hình thức giao đất thực hiện dự án, quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư…
Điều bất cập nhất hiện nay, theo nhiều doanh nghiệp, đó là dù được miễn tiền sử dụng đất, nhưng muốn làm nhà ở xã hội vẫn phải xác định số tiền này rồi mới được thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất và điều này làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Để thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất cần thời gian từ 1-2 năm, chưa kể quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai…, dẫn đến việc lựa chọn còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện, làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Còn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia chỉ ra 3 vướng mắc lớn ảnh hưởng tới chủ trương này. Vướng mắc thứ nhất – cũng là quan trọng nhất, đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận nhà ở xã hội, nhiều người cho rằng làm nhà ở xã hội như làm từ thiện, không phải là vấn đề thiết yếu. Vướng mắc thứ hai là cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và khâu thực thi. Vướng mắc thứ 3 là quy hoạch và quỹ đất, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Trên thực tế, những vướng mắc trong trình tự phê duyệt, thẩm định dự án, điều chỉnh quy hoạch… được chỉ ra như là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án nhà ở xã hội trên cả nước “dậm chân tại chỗ” hoặc chậm tiến độ kéo dài.
Trong khi đó, nhìn sang các thị trường lân cận như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…, hệ thống nhà ở xã hội được xây dựng và vận hành với chi phí rất thấp dành cho đối tượng thu nhập thấp, mà vẫn đầy đủ các tiện nghi cơ bản.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)