Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III, Bộ Xây dựng thông tin số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn kho, chưa giao dịch ước tính 15.067 căn. Tính đến hết tháng 9, nhóm bất động sản niêm yết tồn kho gần 269.774 tỷ đồng, tương đương trên 11 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9, 49 doanh nghiệp BĐS niêm yết ghi nhận giá trị tồn kho gần 269.774 tỷ đồng (tương đương trên 11 tỷ USD), tăng 10% so với đầu năm và chiếm 32,6% tổng tài sản.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ Xây dựng nhận định các doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn trong 4 đợt dịch COVID-19, đặc biệt ở làn sóng dịch gần nhất từ đầu tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.
Thống kê của người viết từ 49 doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 cho thấy, trong quý III, doanh thu thuần của nhóm này giảm 18,5% so với cùng kỳ khi đạt gần 39.370 tỷ đồng nhưng lãi ròng tăng 25,4%, đạt trên 126.197 tỷ đồng.
Trong đó, có 7 doanh nghiệp tồn kho trên 10.000 tỷ gồm: Novaland (106.858), Vinhomes (31.996 tỷ đồng), Becamex IDC (23.151 tỷ đồng), Nam Long (17.655 tỷ đồng), Phát Đạt (11.921 tỷ đồng), Kinh Bắc (11.515 tỷ đồng) và Đất Xanh (11.141 tỷ đồng).
Trong hai quý gần đây, tồn kho của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) tăng vọt do doanh nghiệp hoàn tất mua lại 100% vốn tại doanh nghiệp sở hữu dự án Izumi City (trước đây là Waterfront Đồng Nai) từ Keppel Land. Qua đó, Nam Long ghi nhận thêm hơn 7.100 tỷ đồng tồn kho từ dự án này. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp tại phía Nam trong thời gian qua nên các kế hoạch mới liên quan đến Izumi City tạm hoãn. Trong một báo cáo phân tích mới đây, SSI dẫn thông tin từ lãnh đạo Nam Long cho biết doanh nghiệp sẽ mở bán đợt 1 trong tháng 11 với giá khởi điểm 50-55 triệu đồng/m2, tương đương với giá chào bán của dự án Aqua City do Novaland phát triển.
Bên cạnh Novaland, Nam Long, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng tích cực M&A trong giai đoạn dịch bệnh. Tính đến hết tháng 9, doanh nghiệp ghi nhận giá trị tồn kho gần 11.921 tỷ đồng, tăng gần 28% so với đầu năm và chiếm gần 61% tổng giá trị tài sản.
Ngoài ba dự án mới đã ra mắt trong hai quý đầu năm gồm Tropica Bến Thành Long Hải (1.989 tỷ đồng), Bình Dương Tower (1.596 tỷ đồng), Phước Hải (1.371 tỷ đồng), Phát Đạt vừa giới thiệu thêm dự án mới ở 223-225 Trần Phú, Đà Nẵng trong quý III với chi phí ghi nhận gần 630 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác có giá trị tồn kho lớn, chiếm hơn một nửa tài sản như Nhà Từ Liêm, An Gia, Năm Bảy Bảy, Becamex IJC.
Trong đó, tổng tài sản của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) xấp xỉ 11.830 tỷ đồng và hàng tồn kho chiếm 61%, tương đương gần 7.221 tỷ đồng và tăng gần 30% so với đầu kỳ. The Sóng, Westgate, The Standard là những dự án chiếm phần lớn giá trị tồn kho với gần 5.700 tỷ.
Còn phần lớn tồn kho của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại Khu căn hộ NBB2 và NBB3, Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, Khu dân cư De Lagi,….
Theo thông tin từ Novaland, giá trị tồn kho tăng thêm trong quý gồm chi phí đầu tư phát triển các dự án: Aqua City, NovaWorld Phan Thiet (tổng mức đầu tư dự kiến 5 tỷ USD), NovaWorld Ho Tram. Tính đến hết tháng 9, doanh nghiệp đã chi hơn 27.281 tỷ đồng để phát triển và hợp tác đầu tư dự án. Novaland sẽ nhận lại số tiền này vào cuối kỳ dự án. Hơn 90% tồn kho của Novaland là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản thành phẩm, chờ bàn giao cho khách hàng.
Đối với CTCP Vinhomes (Mã: VHM), gần 29.100 tỷ đồng tồn kho là BĐS để bán đang xây dựng, gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển các dự án: Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park và một số dự án khác.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) cũng là một trong những doanh nghiệp BĐS niêm yết tồn kho cao nhất với 23.151 tỷ đồng, tương đương gần 48% tổng giá trị tài sản. Trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí phải trả để có quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng,…) chiếm gần 20.656 tỷ đồng. Ngoài ra, Becamex IDC còn ghi nhận hơn 2.400 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dài hạn tại các dự án: Hòa Lợi, phố Sông Cấm, TDC Plaza, Green Pearl, Lake View, Unitown (giai đoạn 2).
Khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài. Do ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 kéo dài từ đầu tháng 4, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), nhất là các doanh nghiệp phía Nam buộc phải trì hoãn kế hoạch bàn giao nhà, dự án hoặc giao dịch qua kênh online với số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tiến hành M&A thêm dự án, qua đó làm tăng giá trị tồn kho trong kỳ.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)