Ngày 12/8, tờ Bloomberg thông tin về kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ của tập đoàn công nghệ VNG, đơn vị sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo, thông qua thương vụ SPAC. Và VNG không phải là công ty đầu tiên tại Việt Nam muốn tiến vào Phố Wall thông qua hình thức này, trước đó cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vinfast và Bamboo Airways.
SPAC (Special Purpose Acquisition Companies) được dịch là công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Đây là các công ty đã niêm yết nhưng chỉ trên danh nghĩa, không có hoạt động kinh doanh thực chất. Các SPAC được sử dụng để huy động vốn mua lại từ công ty có hoạt động thật – những bên sẽ mua lại SPAC và chính thức IPO trên sàn.
Sự bùng nổ của SPAC chủ yếu tập trung ở thị trường Mỹ. Năm 2019, 59 doanh nghiệp SPAC được thành lập và huy động 13,6 tỷ USD. Năm sau, số liệu tăng lên thành 226 SPAC và 83,3 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2021, các SPAC mới ra đời đã hút được hơn 87 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2020. Số thương vụ sáp nhập SPAC đang vượt xa các cuộc IPO truyền thống.
SPAC tạo thuận tiện cho các công ty khi muốn lên sàn chứng khoán Mỹ và cho phép họ huy động vốn nhanh hơn một thương vụ IPO thông thường. Tuy nhiên, SPAC vẫn còn đó những rủi ro cho dùng các thủ tục của nó là hợp pháp và minh bạch. Đơn cử, các công ty muốn lên sàn chứng khoán có thể gặp rủi ro là bị các cổ đông của SPAC từ chối mua lại. Về phần các nhà đầu tư, họ rõ ràng không có nhiều thông tin về công ty này. Cuối tháng 4, SEC đã có động thái kìm hãm cơn sốt SPAC bằng việc ban hành một văn bản hướng dẫn cho rằng các chứng quyền phát hành cho nhà đầu tư sớm có thể không được coi là một phần vốn chủ sở hữu và phải xếp vào nhóm nợ phải trả khi hạch toán kế toán.
Hồi tháng 4, IPO thông quá SPAC cũng nằm trong kế hoạch của VinFast – hãng xe Việt thuộc Tập đoàn Vingroup, trong bước đường vào thị trường Mỹ. Thậm chí, đây cũng là lựa chọn của nhiều startup Đông Nam Á trong thời gian gần đây, có thể kể những cái tên như: Grab (Singapore), PropertyGuru Pte (Singapore) và Traveloka (Indonesia)…. Nhiều công ty tại Mỹ cũng đã chọn SPAC làm tấm vé đưa họ lên sàn chứng khoán. Có thể kể đến công ty du hành vũ trụ của tỷ phú Richard Branson – Virgin Galactic, nền tảng cá cược thể thao DraftKings, công ty bất động sản trực tuyến Opendoor hay hãng xe điện Nikola Motor…
Sau cơn sốt gây quỹ ở Phố Wall vào năm ngoái, khoảng 320 công ty SPAC cùng 100 tỷ USD được tạo ra để “săn lùng” các doanh nghiệp đang có nhu cầu niêm yết thực sự, theo nghiên cứu từ SPAC Research. Điều này đã mở ra tầm nhìn về các cơ hội trong các lĩnh vực kinh tế mới của Đông Nam Á.
Nhật Hạ