NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp.
Ngày 31/3/2020, NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng trong phòng chống Covid-19, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Bên cạnh đó là các thông tư quy định việc tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 3/6/3021, NHNN vừa gửi hoả tốc văn bản số 3947/NHNN-TD do Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú ký về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gửi lãnh đạo các tổ chức tín dụng và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để thực hiện các dự án sản xuất – kinh doanh có hiệu quả.
Các quốc gia khác bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, nên cho dù có đầu cơ bất động sản hay chứng khoán họ vẫn có tiền để dành và khi đại dịch đi qua, nền kinh tế sẽ có sức bật tốt. Trong khi đó, gói cứu trợ của Việt Nam nhỏ, không đáng kể, không tạo ra được nguồn lực tài chính tiềm năng trong khu vực doanh nghiệp và dân chúng, nên không tạo được sức bật về tiêu dùng và đầu tư như các nước khác trên thế giới.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất cho vay và phí đối với khách hàng tại hai tỉnh này từ 1/6 – 31/8/2021. Cụ thể, Vietcombank giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng thời, ngân hàng này giảm phí tới 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản với khách hàng cá nhân.
Từ ngày 27/5/2021, BIDV giảm sâu lãi suất Gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 quy mô 50.000 tỷ đồng. Các mức lãi suất cho vay trung dài hạn của BIDV giảm đến 0,6%/năm so với đầu năm và giảm đến 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020. VietinBank cũng gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất rất hấp dẫn, thời gian ưu đãi tới 36 tháng. Ngân hàng MSB trong tháng 5 cũng tung gói cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất chỉ từ 6%/năm với VND và từ 3,0%/năm với USD.HDBank đã giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ 3%/năm dành cho các cá nhân và DN siêu nhỏ. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, ân hạn vốn gốc 6 tháng. Vietbank cũng mới triển khai chương trình “Chung tay cùng doanh nghiệp 2021” và “Gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2021” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 6,5%/năm. Nếu để giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm. DN còn được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Khách hàng cá nhân được vay vốn với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm trong 3 tháng đầu và chỉ từ 7%/năm trong 6 tháng đầu với tổng hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho gói ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng cho gói trung, dài hạn.
Mùa đại hội cổ đông năm 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng khác như TPBank, Saccombank, HDBank… đều cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch kinh doanh ứng phó với tình hình mới, trong đó có việc tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nhật Hạ