NHNN đã đưa ra 8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm. Đáng chú ý, NHNN cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
NHNN tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD (tổ chức tín dụng) trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người đi vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03. Được biết, sau sự kêu gọi của NHNN, nhiều ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 với biên độ 1-2%, cá biệt có đơn vị giảm 3% như MSB. Động thái này cho thấy sự vào cuộc của các TCTD trong việc hộ trợ khách hàng và thúc đẩy nền kinh tế hồi phục, mặt khác không ngoài mục tiêu muốn được NHNN nâng thêm chỉ tiêu tín dụng.
NHNN đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng lần hai trong năm 2021 cho một số ngân hàng. Nhìn chung, các mức tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Cụ thể, 3 ngân hàng được nới room cao nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) được nâng room tín dụng từ 11,5% lên 17,4%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) từ 12% lên 17%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) được tăng từ 10,5% lên 15%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) từ 8,5% lên 14,1%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được điều chỉnh từ 8,5% lên 12,1%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%.
Big 4 có ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10,5% lên 14%. Thực tế, hạn mức được nới trong lần hai vẫn thấp hơn kế hoạch một số ngân hàng đặt ra trong năm nay. Sự điều chỉnh với biên độ hẹp hơn năm trước cho thấy sự thận trọng của cơ quan điều hành trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thời điểm đầu năm, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12%-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng Sáu, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10%-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7%-8%.
Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2021 lại cao hơn nhiều so với kỳ vọng của NHNN nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính đến 21/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 5,47% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 2,45%.
Tĩnh Kiên