Thời gian qua, một loạt các ngân hàng đã đưa ra quyết định thay đổi một số vị trí quan trọng trong Ban điều hành, HĐQT. Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao.
ACB vừa qua đã bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát làm Tổng Giám đốc ACB nhiệm kỳ 2022-2025. Trên cương vị mới, Tổng Giám Đốc ACB, ông Từ Tiến Phát khẳng định: “ACB sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược kinh doanh đề ra, hướng đến hoàn thành các mục tiêu để luôn làm chủ các xu hướng vận động, phát triển liên tục của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Techcombank cũng đã có sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp. Theo đó, ông Trịnh Bằng đã rời vị trí Giám đốc Tài chính, thay thế là một người nước ngoài, từng có nhiều năm gắn bó với ngân hàng HSBC. Cụ thể, Hội đồng Quản trị Techcombank vừa thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Giám đốc Tài chính Tập đoàn (CFO) đối với ông Trịnh Bằng từ ngày 11/1/2022. Đồng thời bổ nhiệm ông Alexandre Charles Emmanuel Macaire làm người thay thế.
Nhắc đến thay đổi lớn ở “thượng tầng” thời gian gần đây không thể thiếu Eximbank. Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2 của ngân hàng đã được tổ chức thành công ngày 15/2. Sau nhiều năm căng thẳng về “ghế nóng”, bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị đã chính thức được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Với mỗi một ngân hàng, sự thay đổi ở nhân sự cấp cao có ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược, điều hành hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn phát triển mới, thời đại của công nghệ 4.0, việc thay đổi nhân sự còn có thể là cơ hội lớn để các ngân hàng làm mới chính mình. Nhiều thành công của những nhà băng top đầu hiện nay có dấu ấn đặc biệt của CEO, Chủ tịch HĐQT. Như VPBank có CEO Nguyễn Đức Vinh, Sacombank có dấu ấn của ông Dương Công Minh trong công cuộc tái cơ cấu ngân hàng,…
Mới đây tại ABBank, ông Lê Hải đã thôi vị trí Tổng Giám đốc sau gần 2 năm đảm nhiệm. Đồng thời, HĐQT nhà băng này đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc thường trực đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng. Quyết định bổ nhiệm chính thức có hiệu lực từ ngày 3/3. Trước đó trong tháng 2/2022 Hội đồng quản trị đã điều chỉnh cơ cấu tổ chức và giá trị cốt lõi để hướng tới các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 – 2025.
Tháng 4 này, ngân hàng SHB sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Và trong lần này, SHB sẽ thực hiện bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2022 – 2026. Ông Đỗ Quang Hiển, đang là chủ tịch HĐQT của SHB và kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T, do vậy theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ông Hiển phải đưa ra quyết định chỉ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ở 1 trong 2 nơi.
HDBank cũng vừa gửi đi thông báo cho các cổ đông về việc bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó, HĐQT của HDBank trong nhiệm kỳ mới sẽ bao gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập. Tượng tự như trường hợp của SHB, Chủ tịch HĐQT HDBank bà Lê Thị Băng Tâm cũng đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Công ty Vinamilk, nên khả năng trong kỳ đại hội lần này, bà Tâm sẽ phải đưa ra lựa chọn.
Sacombank cũng sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2026 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Hiện HĐQT nhà băng này có 7 thành viên gồm ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Văn Phong, ông Nguyễn Miên Tuấn, ông Nguyễn Xuân Vũ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (kiêm Tổng giám đốc), bà Lê Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Huynh là hai thành viên độc lập. 4 thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Trần Minh Triết, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Hà Tôn Trung Hạnh, ông Lê Văn Tòng.
Tháng 1 vừa qua, nhà băng này đã phát đi thông báo đến cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền đề cử ứng viên bầu làm thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát. Dự kiến số lượng thành viên nhiệm kỳ mới có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Ban Kiểm soát dự kiến có 4 người.
Tổng Hợp