Để đảm bảo hoạt động kinh doanh nguồn vốn của doanh nghiệp, nhiều ông lớn lãnh đạo doanh nghiệp mang hết cổ phiếu hiện có của mình để bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay vốn..
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cũng cho biết các lãnh đạo tập đoàn đang dùng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân để đảm bảo cho một số khoản vay. Từ cuối năm 2019, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã dùng 100 triệu cổ phiếu HPG để bảo lãnh cho khoản vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank, giúp Hòa Phát có nguồn vốn để thực hiện dự án Khu liên hợp Dung Quất giai đoạn 1. Hiện nay giai đoạn 1 đã hoàn thành và Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) và Công ty cổ phần Quốc Cường – Gia Lai (Mã: QCG) cho thấy các lãnh đạo như Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cũng dùng tài sản cá nhân để bảo đảm cho nghĩa vụ nợ của công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III mới được công bố, tại ngày 30/9 vừa qua, CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes đang vay ngân hàng 713 tỷ đồng, tăng 383 tỷ so với ngày đầu năm. Nhiều khoản vay trong số này được đảm bảo bởi tài sản của Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết. Cụ thể, FLCHomes vay Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) 111 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản bảo đảm gồm khoản tiền gửi tại OCB và cổ phiếu BAV do CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát hành. Trong số này có 5,06 triệu cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) sở hữu, và 13 triệu cổ phiếu do Tập đoàn FLC sở hữu. Ông Trịnh Văn Quyết đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways.LCHomes cũng vay Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Mã: NCB) 200 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản bảo đảm gồm 30 triệu cổ phiếu Bamboo Airways do vợ chồng ông Quyết – bà Diệp sở hữu và 30 triệu cổ phiếu BAV do Tập đoàn FLC sở hữu.
Khoản vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) 399 tỷ đồng có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản bảo đảm gồm 57,5 triệu cổ phần Bamboo Airways do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long. Tại ngày 1/6 năm nay, Bamboo Airways có vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 56,5% – tương đương 904 triệu cổ phiếu BAV. Số cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục của ông Quyết.
Đến tháng 9 vừa qua, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, hiện không rõ tỷ lệ nắm giữ của ông Quyết đã thay đổi ra sao. FLCHomes không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào ở FLCHomes. Tuy nhiên, bà Bùi Hải Huyền, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đang là Chủ tịch của FLCHomes. Trong 9 tháng đầu năm nay, FLCHomes ghi nhận doanh thu thuần 1.364 tỷ đồng, chi phí lãi vay 42,6 tỷ, lãi sau thuế 28 tỷ. Tổng tài sản tại ngày 30/9 là 8.901 tỷ, tăng 16,6% so với ngày đầu năm. Ông Trịnh Văn Quyết không phải là đại gia chứng khoán duy nhất dùng cổ phiếu để bảo lãnh cho công ty liên quan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (hay gọi là Bầu Đức) đang dùng 150 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu cá nhân để thế chấp cho khoản vay gần 500 tỷ đồng của HAGL tại Sacombank. Ngoài ra ông Đức còn dùng 50 triệu cổ phiếu HAG để bảo lãnh cho 350 tỷ đồng trái phiếu do Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) làm trái chủ. Gần 45 triệu cổ phiếu HAG khác của ông Đức được dùng để bảo lãnh một phần cho lô trái phiếu do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) nắm giữ. Tổng cộng, ông Đức thế chấp khoảng 245 triệu cổ phiếu HAG để bảo đảm cho các nghĩa vụ nợ của Hoàng Anh Gia Lai.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)