Cần làm nhanh và kịp thời hơn nữa bởi hiện nay, một số dự án được gỡ vướng mới dừng ở bước chủ trương, còn việc thực thi vẫn rất chậm do tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, ông rất cảm kích nỗ lực của Chính phủ, lãnh đạo Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, song cần làm nhanh và kịp thời hơn nữa bởi hiện nay, một số dự án được gỡ vướng mới dừng ở bước chủ trương, còn việc thực thi vẫn rất chậm do tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền.
Chia sẻ của vị lãnh đạo doanh nghiệp trên không hẳn là không có cơ sở, bởi ngay trong thông báo kết luận tại cuộc họp lần 3 (ngày 27/7/2023) của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cũng bày tỏ sự “sốt ruột” với tiến độ thực hiện chỉ đạo của các sở, ngành, quận, huyện.
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 2 (ngày 6/7/2023), ông Mãi đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rà soát, tổng hợp và làm việc với chủ đầu tư để có ý kiến gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư gỡ vướng cho các dự án số 3A-3B Tôn Đức Thắng của Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Phương Nam 3A-2; dự án căn hộ Lê Thành của Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành; dự án Khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành của Công ty TNHH Bất động sản Tâm Đại Thành Công; dự án Moonlight Centre Point của Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Tiến và dự án Khu dân cư NBB Garden III của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy.
Tuy nhiên, đến cuộc họp lần thứ 3, các đơn vị này vẫn chưa có ý kiến. Do đó, ông Mãi một lần nữa yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND quận 8 và quận Bình Tân khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại thông báo trước đó, có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/8/2023 để tổng hợp, thẩm định trình UBND Thành phố xem xét, quyết định trước ngày 15/8/2023, không được chậm trễ.
Bên cạnh tốc độ gỡ vướng chậm, cũng phải thừa nhận rằng, việc dự án vẫn “bất động” cũng có một phần nguyên nhân xuất phát từ chính các chủ đầu tư. Chẳng hạn, tại dự án Shizen Home (quận 7, TP.HCM) của Công ty Gotec Land – một trong những dự án đầu tiên được Thành phố có chủ trương cho phép được bán nhà ở hình thành trong tương lai hồi đầu năm 2023, song đến nay vẫn chưa chính thức được Sở Xây dựng gửi thông báo cấp phép. Nguyên nhân là do những vấn đề nội tại trong doanh nghiệp liên quan đến việc dự án được dùng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Nam Land.
Tương tự, việc UBND TP.HCM tổ chức họp và đưa ra hướng giải quyết với những dự án không đáp ứng điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư được đánh giá là một nỗ lực lớn trong việc gỡ vướng cho các dự án bất động sản. Song, đại diện một doanh nghiệp vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn, trong đó phương án chuyển dự án thương mại sang đầu tư nhà ở xã hội sẽ là lối thoát nhanh nhất, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhưng phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Tổng Hợp
(ĐTCK)