Khi nguồn vốn bị siết chặt hơn, các doanh nghiệp địa ốc không thể đầu tư tràn lan, sử dụng vốn không có trọng tâm như trước, mà phải tập trung vào các dự án khả thi nhất, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất để có thể huy động vốn từ khách hàng.
Khi giao dịch trái phiếu bị siết chặt hơn, các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường huy động vốn trên sàn chứng khoán thông qua hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Để thu hút vốn hiệu quả từ thị trường chứng khoán, ông Trường khuyến nghị, doanh nghiệp cần rà soát chất lượng tài sản, dự báo được tình hình tài chính của doanh nghiệp, khả năng thực hiện cam kết các khoản vay và hạn mức tín dụng, giao dịch với bên liên quan, rủi ro thuế và cơ hội tối ưu chi phí thuế, chất lượng doanh thu và lợi nhuận.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, nguồn vốn trên thị trường bất động sản sẽ được bổ sung đáng kể khi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2 năm tới, Chính phủ dự kiến đưa ra gói tín dụng quy mô 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Theo ông Lực, đây sẽ là một “cú huých” cho thị trường bất động sản, bởi gói vay này có lãi suất rất ưu đãi, có thể thấp hơn mặt bằng lãi suất chung trên thị trường hiện nay từ 3-4%/năm. Chưa kể, Bộ Xây dựng đang soạn thảo trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, bao gồm cả tín dụng bất động sản.
Hiện tại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là 2 kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp địa ốc, bên cạnh nguồn vốn tín dụng. Để đa dạng hóa nguồn huy động, các doanh nghiệp cho rằng, về lâu dài cần có các quỹ như quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở hay quỹ phát triển nhà ở, bởi đây đều là những mô hình được triển khai hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.
Có thể thấy, trái phiếu luôn là kênh huy động vốn ưa thích của các doanh nghiệp địa ốc và theo một số chuyên gia, đây là “nguồn sống” chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại, khi rất cần nguồn lực để phục hồi hoạt động kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội. Với họ, nguồn lực này còn trở nên quan trọng hơn khi thời điểm Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực (từ ngày 15/1/2022) đã ở trước mắt.
Thống kê mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong nửa đầu tháng 12/2021 (tính đến ngày 17/12/2021), có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 10.816 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phát hành của nhóm bất động sản đạt 819 tỷ đồng, chiếm 7% tổng giá trị phát hành tháng (đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng), với hơn phân nửa thuộc về Phát Đạt khi huy động thành công 475 tỷ đồng từ trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm. Trong tháng 11/2021, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng, trong đó có khoảng 59% trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Một loạt doanh nghiệp địa ốc khác như Glexhomes, Đất Xanh, Sovico, BCG Land, Helios, Vinaconex, An Gia… cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong đó Glexhomes phát hành 500 tỷ đồng, Đất Xanh phát hành 370 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Không chỉ doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp địa ốc chưa phải là đại chúng cũng cấp tập huy động vốn trái phiếu thời gian gần đây.
Tổng Hợp