Siết cho vay bất động sản là cần thiết, nhưng cũng cần hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang có những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Cụ thể, trong dự thảo này Ngân hàng Nhà nước sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh BĐS và “kiểm soát” việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, bao gồm cả BĐS cao cấp. Hệ quả là các tổ chức tín dụng “ngại” hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua BĐS, nhà ở.
Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS trong thời gian tới.
Định hướng siết tín dụng BĐS của NHNN có lẽ ngày càng rõ nét hơn, khi mới đây, cơ quan này đưa ra dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó ngân hàng không được cho vay vốn để thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; mua vàng miếng…
Theo NHNN, thời gian qua một số tổ chức tín dụng cho vay khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến BĐS với số tiền lớn, tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường BĐS.
Do đó, để kiểm soát rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến BĐS, cần quy định chặt chẽ hơn (quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ…) đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà.
Nhận định về động thái “siết” cho vay BĐS của ngành ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS Phạm Anh Khôi cho rằng đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường BĐS, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế. Động thái này còn góp phần thanh lọc được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và kinh doanh tràn lan.
Tại TPHCM, trong 6 tháng cuối năm, nguồn căn hộ dự kiến giảm so với 6 tháng đầu năm, tập trung triển khai ở các khu đô thị tại khu Đông và các dự án quy mô nhỏ tại khu Tây – Bắc. Giá bán dự kiến tăng trưởng từ 5% – 10%/năm trong thời gian tới. Thị trường có nguồn cung thấp, giá bán cao nên thanh khoản đang hạn chế.
TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận định thị trường từ nay đến cuối năm diễn biến trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tiếp tục thiếu hụt, giá bán duy trì mức cao và thanh khoản chậm.
Ông Khương cho rằng các nhà đầu tư hiện đang đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao dẫn đến tính thanh khoản thấp vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế.
Sau thời gian nằm im do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung bất động sản (BĐS) trên cả nước dần mở lại nhưng số lượng dự án BĐS mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân.
Trong bối cảnh đó, giá bán BĐS tăng hầu hết ở tất cả các phân khúc và các địa phương trên cả nước. Nhiều khu vực, BĐS đã thiết lập mặt bằng giá mới, bất chấp nhiều quy định thắt chặt hoạt động cho vay với việc sử dụng vốn vay liên quan đến BĐS nhằm kiểm soát rủi ro của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Phần lớn giới chuyên gia cho rằng cần thiết phải siết cho vay BĐS, nhưng việc cần quan tâm hơn là hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, sớm có sản phẩm BĐS đưa ra thị trường. Đồng thời, cung cấp vốn tín dụng cho dự án đang trong quá trình thực hiện và chuẩn bị đưa sản phẩm BĐS cung cấp cho thị trường. Đây là điều cần thiết và quan trọng vì nếu nguồn cung BĐS không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cung cấp vốn vay cho những người có nhu cầu ở thực, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thanh lọc, làm cho thị trường BĐS giảm bớt nhà đầu cơ.
Tổng Hợp