Đầu tư chứng khoán đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, năm 2020 và 2021, nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến nhờ đầu tư tài chính (chủ yếu là cổ phiếu). Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2022 thì tình hình đã khác.
Bức tranh lợi nhuận quý I/2022 của các công ty niêm yết cho thấy, các công ty có hoạt động đầu tư cổ phiếu niêm yết trên sàn hầu như vẫn giữ được lãi, nhưng mức lãi này có dấu hiệu suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Điều này xuất phát từ thực tế là trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm nhưng chưa giảm mạnh, các cổ phiếu vẫn giữ được vùng giá cao trong nhiều năm trở lại đây.
Tại Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14), tính tới 31/3/2022, danh mục đầu tư chứng khoán ghi nhận 700,6 tỷ đồng, tăng 214,6 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 55% tổng tài sản của Công ty. Báo cáo tài chính quý I của Licogi 14 không thuyết minh chi tiết cổ phiếu trong danh mục, nhưng theo báo cáo tài chính năm 2021, Công ty sở hữu danh mục đầu tư chứng khoán lên tới 486 tỷ đồng, chủ yếu là 298 tỷ đồng cổ phiếu CEO và 188 tỷ đồng cổ phiếu DIG.
Nếu danh mục đầu tư của Licogi 14 không thay đổi, đây chính là hai cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn chứng khoán trong hơn 4 tháng đầu năm và cả hai cổ phiếu này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tạo đáy.
Tương tự, tại Công ty cổ phần MHC (mã MHC), tính tới cuối quý I/2022, giá trị khoản mục đầu tư chứng khoán ghi nhận 498,2 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, 43,8 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu PXS; 26,4 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu POW; 105,4 tỷ đồng vào cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (chưa niêm yết). Từ ngày 9/3 – 10/5/2022, cổ phiếu PXS đã giảm 59% từ 14.650 đồng/cổ phiếu về 6.030 đồng/cổ phiếu; từ 7/1 đến 10/5, cổ phiếu POW giảm 34% từ 20.150 đồng về 13.300 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần SAM Holdings (mã SAM có danh mục đầu tư cổ phiếu 275,8 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2022; trong đó, 90 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG, 56,4 tỷ đồng vào cổ phiếu DNP, 41,7 tỷ đồng vào cổ phiếu SSI và 24,7 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB, 13,3 tỷ đồng vào cổ phiếu KBC… Các cổ phiếu này cũng đều giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, từ ngày 7/3 – 10/5, HPG giảm gần 20%; từ 22/3 – 10/5, DNP giảm gần 34%; từ 1/1 – 10/5, SSI giảm 46% từ đỉnh; từ 8/2 – 10/5, TCB giảm 28%… Những năm gần đây, mảng hoạt động cốt lõi của SAM luôn tục lỗ, Công ty chỉ có lãi nhờ hoạt động tài chính. Nay, với diễn biến bất lợi từ thị trường, lợi nhuận của doanh nghiệp này khó được duy trì.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Nhà Đà Nẵng (mã NDN), tính tới cuối quý I/2022, danh mục đầu tư cổ phiếu ghi nhận 479,2 tỷ đồng, chiếm hơn 31% tổng tài sản. Trong đó, 198,8 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu SHB; 97,3 tỷ đồng cổ phiếu TCB; 78,6 tỷ đồng cổ phiếu VHM; 42,2 tỷ đồng cổ phiếu MBB; 23,8 tỷ đồng cổ phiếu VNM… Các cổ phiếu này đều giảm mạnh trong hơn 4 tháng đầu năm 2022.
Các cổ phiếu chỉ thực sự giảm mạnh từ tháng 4/2022 khi hoạt động thanh tra, xử lý các sai phạm trên thị trường chứng khoán trong nước liên tục diễn ra và thị trường chứng khoán thế giới bị bán tháo do lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận tài chính cũng như lợi nhuận chung quý II/2022 của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư cổ phiếu.
Sự sôi động của thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2020-2021 đã thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất tham gia đầu tư cổ phiếu để đa dạng hóa nguồn thu, nhất là khi hoạt động kinh doanh lõi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thực tế cho thấy, năm 2020 và 2021, nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến nhờ đầu tư tài chính (chủ yếu là cổ phiếu). Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2022 thì tình hình đã khác.
Hoạt động đầu tư chứng khoán từng đem lại khoản lợi nhuận tài chính tốt cho nhiều doanh nghiệp trong 2 năm trước thì nay có thể trở thành gánh nặng.
Tổng Hợp