Nhìn từ góc độ bên bán, nửa cuối năm 2020 và nửa đầu 2021, giá BĐS nhà ở của Việt Nam không hề giảm, cộng với chính sách tiền tệ được nới lỏng khiến nhiều chủ BĐS vẫn kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh, do đó họ tiếp tục giữ lại các BĐS hoặc định giá bán ở một mức rất cao.
Các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư BĐS đều đang có trong tay những nguồn tiền rẻ và không ai muốn chậm chân ở một thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa tăng giá như thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư tổ chức vẫn còn tâm lý thận trọng. Quyết định đầu tư sẽ trở nên rõ ràng hơn khi họ nhìn thấy những tín hiệu về việc đại dịch đã được kiềm chế tốt.
Số lượng các thương vụ M&A thành công phần nhiều là giữa các nhà đầu tư trong nước. Một số thương vụ M&A giữa các đơn vị phát triển BĐS trong nước nổi bật trong giai đoạn dịch bệnh có thể kể đến như Sunshine Homes (Mã: SSH) đang hoàn tất thủ tục M&A giai đoạn 2 dự án The Empire, hay còn gọi là Cocobay Đà Nẵng của Tập đoàn Empire (Tập đoàn Thành Đô).
Tại Đà Nẵng, HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (Mã: PDR) cũng đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 99% vốn góp (tương đương 198 tỷ đồng) tại CTCP Đầu tư Bắc Cường, qua đó toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án trên khu đất vàng gần 2.735 m2, tọa lạc tại 223-225 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu.
Hay như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) liên tục M&A nhiều công ty dự án trong nửa đầu năm, trong đó doanh nghiệp đã mua lại nhóm doanh nghiệp sở hữu quỹ đất 660 ha ở Phan Thiết và đang đàm phán chuyển nhượng dự án lớn tại TP HCM với giá trị ước tính 1,7 tỷ USD,… Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, Mã: TCB) và CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng đã thu xếp cho CTCP Hoàng Phú Vương và CTCP Osaka Garden huy động hơn 8.000 tỷ đồng từ một tổ chức tín dụng để nhận chuyển nhượng một phần Khu đô thị Sài Gòn Bình An (quận 2, TP HCM),…
Việc chuyển nhượng dưới hình thức chuyển nhượng tài sản chủ yếu được thực hiện đối với các tài sản đã vận hành. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn về thủ tục và các vấn đề liên quan đến thuế. Ngoài ra, tác động của COVID-19 khiến tiến độ hoàn thành pháp lý của dự án bị chậm lại.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như việc áp dụng Chỉ thị 16 tại Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam gây sức ép lên nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ dự án BĐS những tháng qua. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của việc tái bùng phát dịch bệnh tại Tp.HCM.
Tuy nhiên, sức cầu trên thị trường vẫn được chuyên gia đánh giá cao khi đa phần do “nén” bởi dịch bệnh chứ không phải do sự bất ổn của kinh tế hay thị trường BĐS. Dù dịch bệnh diễn ra, thị trường vẫn không ghi nhận sự hoảng loạn hay bối rối. Theo các chuyên gia, sự tạm thời dừng lần này của thị trường BĐS là do Covid-19 khiến các hoạt động giao dịch, buôn bán buộc phải “nghỉ đông”. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong ba tháng tới, các lệnh giãn cách được gỡ bỏ thì rất có thể thị trường sẽ có giao dịch mạnh mẽ. Thậm chí một khoảng tăng giá hay “ấm nhẹ” cũng có thể diễn ra khi thị trường trở lại.
Những khu đô thị hàng trăm hecta tích hợp đầy đủ tiện ích gần như vẫn thu hút sự chú ý của người mua, ngay trong bối cảnh dịch Covid-19. Bởi, khi dịch xảy ra, những dự án mang lại giá trị cao cho người mua nhà, bao gồm không gian sống, tiện ích và sức khỏe được quan tâm. Thị trường hiện đang trong trạng thái tạm lắng, tức mọi thứ đang đứng yên, dĩ nhiên không thể nào có mức tăng đột biến, nhưng đồng thời cũng không có hiện tượng giảm giá sâu ở bất cứ phân khúc nào. Nguồn cung mới có sự phục hồi so với tháng trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá thấp so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói, giá BĐS gần như không giảm trên thị trường sơ cấp, thậm chí vẫn tăng, mặc dù dịch kéo dài gần hết cả quý.
Dù dịch diễn biến phức tạp, các dự án khu đô thị vẫn nhận được sự chú ý của người mua bởi có được giá trị cộng thêm cho khách hàng. Dĩ nhiên, với tình hình chung ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cầu, sức mua của các dự án KĐT cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng sẽ có phần nhẹ hơn, cũng như giá bán gần như không giảm. Giá bán của các dự án này đa phần ăn theo giá trị của tiện ích được đầu tư bài bản trong KĐT thay vì chịu quá nhiều sự lên xuống của thị trường bên ngoài.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)