Việc thành lập thành phố sáng tạo ở phía Đông mang tên (tạm thời) Thủ Đức là quyết tâm của lãnh đạo TPHCM, với kỳ vọng nơi đây sẽ là thành phố tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo… Sáng tạo, đổi mới là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của thành phố, nhưng cần có những bước đi thích hợp về thời gian, không gian và chuẩn bị tâm lý cộng đồng để có thể biến mong muốn thành hiện thực.
Từ khi khởi phát ý tưởng đến khi hiện thức hóa thành một thực thể hành chính vận hành theo đúng vai trò và chức năng được xác định, chắc chắn không dưới 10, thậm chí là 15 năm.
Cho đến lúc này, thành phố Thủ Đức mới dừng ở ý tưởng và mong muốn qua một tờ trình cho Chính phủ. Để biến ước muốn thành hiện thực thì trước tiên và quan trọng nhất là phải có một đề án tốt, sau đó là lộ trình hợp lý và các điều kiện pháp lý, vật chất đảm bảo cho đề án được hiện thực hóa. Có đề án tốt thì mới thuyết phục được một loạt các bộ chức năng, rồi mới đến Thủ tướng. Hơn nữa, có những vấn đề phải được sự đồng ý của Quốc hội mới có thể triển khai được. Nên nhớ, đề án “Chính quyền đô thị” trước đây của TPHCM không được chấp thuận khi trình Trung ương là do có nhiều điều còn thiếu cơ sở khoa học.
Bài viết này như một gợi ý về khía cạnh thiết kế và tổ chức không gian nhằm góp phần làm cho đề án thành phố Thủ Đức có thêm cơ sở để hoàn thiện.
Thành phố Thủ Đức hình thành trên cơ sở hợp nhất của ba đơn vị đã có sẵn là quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Theo đề án của Sở Nội vụ, đó sẽ là một đơn vị hành chính mới có diện tích lớn nhất (212 ki lô mét vuông) so với các quận nội thành (lớn gấp 13 lần diện tích quận 1, quận 3 và quận 4 cộng lại và chỉ nhỏ hơn ba huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ); có quy mô dân số tới 1,1 triệu người.
Cả ba quận này hiện là quận đa chức năng, nhưng khi hợp nhất thì về cơ bản chức năng nổi trội nhất là tri thức – thông minh – sáng tạo, điều đó có nghĩa là các hoạt động kinh tế, xã hội, hành chính, quản lý phải xoay quanh cái trục cốt lõi này.
Trên thế giới có hàng trăm thành phố có chức năng chính là nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm như Silicon Valley (Mỹ), Bangalore Valley (Ấn Độ), Songdo (Hàn Quốc)… Các thành phố này được chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng trên một vùng đất mới toanh, điều đó có nghĩa là khi mà viên gạch đầu tiên được đặt xuống thì đã theo ý đồ thiết kế trên bản vẽ. Nó được xác định là thành phố đơn chức năng và toàn bộ thiết kế, xây dựng, vận hành, tổ chức không gian (giao thông, công trình xây dựng, không gian công cộng, dịch vụ), bộ máy quản lý được định hướng từ trước khi ra đời.
Trong khi đó, thành phố sáng tạo phía Đông được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba quận đã có sẵn, nên việc tổ chức không gian rất nan giải. Những cái khó sẽ gặp phải bao gồm:
Bất kỳ thành phố nào cũng phải có một trung tâm chính, đó là nơi tập trung bộ máy lãnh đạo của thành phố, cơ quan ngoại giao, trụ sở của các tập đoàn kinh tế lớn, các ngân hàng, thị trường chứng khoán… Trung tâm của thành phố sáng tạo chắc chắn phải đặt ở nơi đầu não xuất phát của mọi sự sáng tạo. Nhưng nếu trung tâm đặt ở một trong hai nơi đang là hạt nhân của thành phố sáng tạo là khu đô thị Đại học Quốc gia hoặc là Khu Công nghệ cao thì có vẻ chưa ổn, bởi vì các khu đô thị đại học và khu công nghệ cao trên thế giới được xếp vào dạng thành phố “ngày sống, đêm chết”, tức là ban ngày sôi động với sự có mặt của hàng trăm ngàn người, nhưng ban đêm không có mấy người. Thành phố vắng lặng nên các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa về đêm hầu như không diễn ra. Do vậy việc lựa chọn địa điểm đặt trung tâm cho thành phố sáng tạo này có thể lại ở một nơi không chứa đựng sự sáng tạo, mà là một khu dân cư đông đúc nào đó trên địa bàn.
Về nguyên lý, khi tổ chức mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ xã hội cho một thành phố thì chức năng chính (ở đây là “tri thức, sáng tạo, thông minh, công nghệ tiên tiến, chất lượng sống cao”) được ưu tiên số 1. Dường như mọi hoạt động phải hướng đến và phục vụ cao nhất cho chức năng này, chẳng hạn như thành phố có nhiều cây xanh, mức độ ô nhiễm môi trường rất thấp, tiếng ồn không đáng kể, hầu như không có giao thông nhanh và xe siêu trường siêu trọng, an ninh trật tự rất tốt, các dịch vụ tiện ích ở mức cao… vì chỉ trong môi trường như thế thì sáng tạo mới nảy sinh, chất xám mới được tụ về, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu mới làm việc hiệu quả. Nhưng để làm điều đó với ba quận đã hình thành và phát triển từ lâu là điều không dễ.
Cần có một lộ trình rõ ràng và chi tiết cho việc tái cấu trúc không gian vật lý, không gian kinh tế – xã hội, hành chính – quản trị và không gian quy hoạch – kiến trúc.
Mỗi giai đoạn 3-5 năm cần xác lập kế hoạch cho công tác tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế – xã hội như thế nào cho hợp lý.
Thực sự, phần diện tích được gọi là sáng tạo là rất nhỏ và dân số của riêng nó không nhiều, nên việc chuyển đổi ngay và nhanh cả một khu vực rộng lớn với 212 ki lô mét vuông và 1,1 triệu dân sang vận hành theo chế độ của “sáng tạo” là điều không dễ một chút nào. Hơn thế nữa, việc tái cấu trúc toàn diện để đáp ứng yêu cầu của một thành phố mới là một thách thức không chỉ về tài chính, quỹ đất mà còn cả việc tích hợp, dịch chuyển nữa.
Nên chăng trong giai đoạn đầu, các đơn vị có hàm lượng chất xám cao (có cùng chức năng) hợp nhất lại hình thành một đơn vị mới có lãnh thổ hành chính rõ ràng, có bộ máy quản lý, có tên gọi riêng, chẳng hạn “Thị trấn khoa học” (science town) bao gồm khuôn viên Đại học Quốc gia (650 héc ta), khuôn viên Khu Công nghệ cao (800 héc ta) và phần nối giữa hai đơn vị này vắt qua xa lộ Hà Nội để thành liền khối (28 héc ta). Cả ba diện tích này đều thuộc quận Thủ Đức và mới đây Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đưa ra đề xuất điều chỉnh cho sự hợp nhất này. Hoặc nếu không hợp nhất được về mặt lãnh thổ thì hợp nhất về cơ chế quản lý và vận hành giữa hai đơn vị khoa học nằm ở quận Thủ Đức và trung tâm công nghệ sinh thái (25 héc ta) dự tính sẽ được hình thành trong tương lai ở quận 9.
Từ thị trấn khoa học này sẽ tiếp tục tổ chức chuyển đổi tiếp phần còn lại của ba quận một cách trơn tru, không để bị sượng, bởi vì khi chuyển sang thành phố thì toàn bộ những gì liên quan đến hành chính của người dân và liên quan đến cơ quan nhà nước đều phải thay đổi. Do vậy, cũng có thể phải đợi thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố theo đề án “Tái cấu trúc không gian và hành chính của TPHCM” phù hợp với quy định của Nghị quyết số 653 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, vì có nhiều quận, phường cần nhập vào và tách ra, nhiều huyện chuyển thành quận. Khi có đề án rồi thì việc trình Chính phủ, Quốc hội thuận lợi hơn rất nhiều, kể cả việc sắp xếp giữa các quận, huyện cũng thuận lợi hơn. Nếu chỉ vì 1.500 héc ta (15 ki lô mét vuông) và dân số làm việc trong các đơn vị hạt nhân khoa học không quá 200.000 người mà làm đời sống của hơn một triệu dân trên diện tích 212 ki lô mét vuông có thể bị xáo trộn, tốn kém thì nên tính toán cho kỹ.
Đây cũng là điều phải xem xét. Theo Quyết định 367 ban hành năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, khu Thủ Thiêm là một trung tâm động lực mới của TPHCM. Thủ Thiêm sẽ đóng vai trò là nơi chia sẻ những chức năng mà khu trung tâm hiện hữu (930 héc ta) bị quá tải hoặc chưa thể hình thành do quỹ đất đã hết.
Theo đề án đạt giải cuộc thi thiết kế khu đô thị mới Thủ Thiêm của Sasaki năm 2003, sau đó được thành phố hoàn chỉnh và Chính phủ thông qua, Thủ Thiêm sẽ như là Phố Đông của Thượng Hải. Ở đó có trung tâm tài chính lớn nhất cả nước. Ngoài thị trường chứng khoán, Thủ Thiêm còn có các cao ốc của các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, có quảng trường lớn để mít tinh và duyệt binh vào các ngày lễ lớn, nhà hát giao hưởng, rạp xiếc, nhà triển lãm, bảo tàng tự nhiên, các âu thuyền, công viên và mảnh xanh và cả các viện nghiên cứu công nghệ cao…
Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành thì chỉ mất vài phút đi bộ là tới Thủ thiêm, do vậy nên nhập Thủ Thiêm về quận 1 thì tốt hơn về mọi phương diện. Diện tích quận 1 hiện nay quá nhỏ, chỉ vẻn vẹn 7 ki lô mét vuông, chưa xứng tầm là trung tâm của một thành phố 12 triệu dân, rộng 2.100 ki lô mét vuông. Nếu nhập về thì không chỉ diện tích quận trung tâm tăng lên mà quan trọng hơn là các chức năng mở rộng mà Thủ Thiêm đảm nhiệm sẽ được quận 1 quản lý và vận hành hiệu quả hơn.
Nếu đưa về thành phố sáng tạo phía Đông chỉ để tăng thêm sức nặng về diện tích thì không hợp lý mà còn làm cho các chức năng quan trọng của Thủ Thiêm bị lệch hướng so với ý định ban đầu cho khu vực này, và các chức năng như thế không còn cơ sở và động lực để hình thành.
Nguyễn Minh Hòa