Nhiều dự án chủ đầu tư chưa thể giải quyết pháp lí khiến dự án trúng thầu từ lâu vẫn chưa thể khởi công. Các dự án mới hiện cũng chỉ cầm chừng do một số chủ đầu tư đang phải giải quyết vấn đề khó khăn với bài toán tài chính.
Báo cáo tài chính quí III của các doanh nghiệp xây dựng cho thấy, đa số đều chứng kiến dòng tiền hoạt động kinh doanh âm do các chủ đầu tư chậm thanh toán.
Có thể kể đến như Xây dựng Hòa Bình, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 183 tỉ đồng. Đáng chú ý, các khoản phải thu của Hòa Bình lên tới 10.350 tỉ đồng, chiếm gần 68% tổng tài sản của công ty.
Tương tự, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex hay Coteccons cũng lần lượt âm 225 tỉ đồng và 434 tỉ đồng.
Không chỉ trong quí III, theo đánh giá của các nhà thầu, khó khăn của lĩnh vực BĐS trong hai năm qua đã có những ảnh hưởng rất rõ đến ngành xây dựng. Không ít doanh nghiệp không thể thực hiện kế hoạch kinh doanh vì vướng pháp lí, thậm chí còn tệ hơn khi có doanh nghiệp rơi vào tình thế mất cân đối tài chính, không thể chi trả các khoản nợ tới hạn.
Theo nhận định của Chứng khoán BSC, ngành xây dựng thuộc nhóm có khả năng chịu đựng thấp nhất sau dịch COVID-19 nếu dựa trên nguồn tiền sẵn có của doanh nghiệp mà chưa phát sinh thêm doanh thu.
Mặc dù vừa trải qua một quí III khó khăn, song nhiều dự báo cho thấy thị trường BĐS sẽ có cơ hội ấm dần từ cuối năm, đặc biệt là dòng tiền của các nhà đầu tư mới sẽ kéo theo khả năng hồi phục cho nhóm ngành xây dựng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quí III lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đã có cải thiện tích cực so với hai quí đầu năm. Tổng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực bất động sản đã tăng dần từ mức 0,264 tỉ USD trong quí I lên 0,586 tỉ USD vào quí II và bứt phá lên con số 2,35 tỉ USD ở quí III.
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các phân khúc trên thị trường BĐS, bao gồm cả phân khúc nhà ở. Việc số lượng dự án BĐS được cấp phép giảm mạnh không chỉ khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó mà còn kéo theo nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng chịu những tác động nhất định.
Đến quí III, những khó khăn càng rõ ràng hơn khi số lượng dự án BĐS trúng thầu và khởi công của các doanh nghiệp xây dựng bắt đầu có dấu hiệu chững lại bất chấp dịch bệnh đã được khống chế sớm tại Việt Nam và lệnh giản cách xã hội đã được gỡ bỏ.
Trong khi đó, nhiều dự án chủ đầu tư chưa thể giải quyết pháp lí khiến dự án trúng thầu từ lâu vẫn chưa thể khởi công. Các dự án mới hiện cũng chỉ cầm chừng do một số chủ đầu tư đang phải giải quyết vấn đề khó khăn với bài toán tài chính.
Trong quí III, số lượng dự án được cấp phép giảm mạnh trong khi nhiều dự án cũ cũng thi công cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến cả các doanh nghiệp bất động sản lẫn nhóm doanh nghiệp xây dựng.