Tại đề án, Chính phủ cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Thủ tướng phê duyệt đề án xây 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, tiền lấy ở đâu?
Cụ thể, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Nhà ở phân khúc cao cấp dư thừa trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Trong khi đó, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân; lượng giao dịch, thanh khoản bất động sản giảm mạnh trong quý III/2022 và có dấu hiệu trầm lắng, đóng băng cho đến nay. Một số sản phẩm nhà ở được chiết khấu lên đến 40 – 50% giá trị hợp đồng tạo ra cơ hội cho khách hàng mua nhà giá rẻ nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai. Ngoài ra, nhiều dự án, công trình bị tạm ngưng thực hiện,…
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.
Số dự án đang được triển khai là 401 với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Về nguồn giải ngân vốn hỗ trợ, đến nay cả nước đã thực hiện giải ngân được 3.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Trong bối cảnh trên, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các địa phương trọng điểm, doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và tất cả đều thống nhất việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động kép.
Cụ thể, vừa giúp người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở; vừa cân đối cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Đề án đưa ra dự báo nhu cầu nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ tăng. Trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân đến năm 2030 là 2,4 triệu căn. Vì vậy, việc hoàn thành 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội là nhiệm vụ cần thiết đặt ra trong thời gian tới (giai đoạn 2021 – 2025 là 428.000 căn và giai đoạn sau là 634.200 căn).
Đề án nêu rõ thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030 cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên tín dụng cho vay, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để có giải pháp đẩy nhanh các dự án.
Tại đề án, các giải pháp ưu tiên về việc hoàn thiện thể chế, pháp luật nhà ở xã hội được đưa ra. Trong đó, nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi Luật nhà ở đồng bộ các luật liên quan, quy định về thuế, cơ chế chính sách nhà ở xã hội.
Chính phủ nêu rõ, trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể. Việc này nhằm hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ.
Quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đầu tư sẽ theo hướng khuyến khích đầu tư xã hội hóa, đề án cũng sửa đổi bổ sung quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn.
Cụ thể, với 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án. UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm trích một phần tiền sử dụng đất ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để bổ sung vào khoản mục riêng trong ngân sách. Khoản tiền này sẽ để dành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Tổng Hợp
(Dân Việt)