Quá tải và tắc nghẽn tại các cửa khẩu hàng không Việt Nam đã ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam.
Phát biểu tại Ngày 18/9, Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024, với chủ đề: ‘Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng’ ngày 18/9 tại TP.HCM, ông Trần Anh Đức – Đồng trưởng nhóm đầu tư và thương mại VBF đã nêu một số vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, các vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không và việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam; chi phí logistics cao so với khu vực…
Theo ông Trần Anh Đức, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.
Thừa nhận về thực trạng trên, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Công Hoàn cho rằng, tình trạng quá tải đang diễn ra tại một trong hai sân bay lớn nhất cả nước.
Đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhà ga hành khách T3 và hạ tầng kết nối xung quanh sân bay để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao. Theo dự kiến, nhà ga T3 đang được xây dựng với công suất dự kiến 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động trước dịp lễ 30/4/2025, qua đó giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Phản ánh thêm về vướng mắc của các nhà đầu tư, ông Seck Yee Chung – Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại VBF cho biết, theo quy định, đối với một ngành mà Việt Nam không cam kết trong bất kỳ điều ước quốc tế nào, nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành đó và không có điều kiện nào ngay cả khi áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, thì họ vẫn có quyền thực hiện ngành đó tại thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, trên thực tế, khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chưa có cam kết trong các điều ước quốc tế có nhiều vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền. Điều này đã gây ra nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến quá trình đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, ông Seck Yee Chung cũng đề cập tới việc quá tải khối lượng công việc ở một số cơ quan đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến việc các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại một số địa phương bị tồn đọng. Thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài hơn thời gian quy định. Thậm chí, kéo dài đến hơn 1 tháng cho hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi, theo quy định, để thực hiện thủ tục này chỉ 3 ngày làm việc.