Nhiều phân tích cho rằng tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngành ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021. Một số chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.
Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt, thay vào đó khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước. Cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 được hỗ trở bởi Nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%.
Techcombank, VPBank và Sacombank không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018. Trong khi đó, tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong 2020 và 2021. “Chúng tôi nhận thấy một số ngân hàng tư nhân như HDBank, MSB hay LienVietPostBank đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong 2020 và có thể trả cổ tức cổ phiếu”, SSI Research nhận định.
Trong năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong 2021. Vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ). Trong đó, có 61.800 tỷ đồng (chiếm 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (chiếm 22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2.600 tỷ đồng (chiếm 3%) thông qua phát hành ESOP. Toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019. Do đó, nhóm phân tích của SSI cho rằng các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch. SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực từ việc tăng vốn, xử lý nợ xấu… đã phần nào phản ánh vào giá.
kết thúc phiên ngày 19/5, dòng tiền đổ vào blue-chips không đâu khác ngoài các mã ngân hàng và thép. Dĩ nhiên cũng có một số cổ phiếu khác thanh khoản khá, ví dụ chứng khoán hay bất động sản, nhưng nổi bật và luôn duy trì vị trí dẫn đầu thì chỉ có ngân hàng và thép. Trên cả hai sàn, trong 10 cổ phiếu có giá trị khớp lệnh lớn nhất hôm nay thì có 6 cổ phiếu ngân hàng là VPB, STB, MBB, TCB, SHB và CTG; 2 cổ phiếu thép là HPG và HSG. Những mã khớp lệnh đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trở lên thì chắc chắn chỉ có ngân hàng và thép, đó là VPB, HPG, STB và MBB. Tính chung 14 cổ phiếu cổ phiếu ngân hàng thanh khoản cao nhất hai sàn và đạt tối thiểu trên 100 tỷ đồng, tổng giá trị khớp lệnh lên tới trên 9.000 tỷ đồng, chưa kể gần 300 tỷ đồng nữa là thỏa thuận. Các mã ngân hàng này chiếm tới 40% tổng giá trị khớp hai sàn.
Thiệt hại nhất đối với VN30-Index và nhóm ngân hàng là VPB chỉ tăng nhẹ 0,45%. Cổ phiếu này đang giữ ngôi vị số 1 về vốn hóa trong VN30-Index. Tuy vậy TCB tăng 3,62%, STB tăng 4,4%, MBB tăng 3,6%, CTG tăng 3,11%, HDB tăng 2,78% đều là những mã rất có ảnh hưởng. Có thể thấy biến động của nhóm ngân hàng và thép đang điều tiết hoàn toàn các chỉ số, kể cả VN-Index. Dĩ nhiên với độ rộng của VN-Index thì tác động có phần nhẹ hơn. Mặt khác các mã có ảnh hưởng lớn như VCB, VIC, GAS cũng kìm hãm đáng kể chỉ số chính. Ngược lại, VN30-Index không chỉ thoát được ảnh hưởng của các mã giảm nói trên, mà còn được lợi thế của nhóm tăng.
Rõ ràng là tình trạng đổ xô vào giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng, thép đang tạo nên sự lệch lạc trong dòng tiền, nhóm ngân hàng hút tới 40% tổng giá trị khớp lệnh hai sàn.
Kiên Cương