Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước đạt gần 125.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% – 2%. Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% – 1,91%.
Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% – 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.
Trong đó, 58,6% số ngân hàng được thống kê có số dư nợ xấu tăng so với đầu năm với số dư nợ xấu trên 81.600 tỷ đồng. Xét về tốc độ tăng dư nợ xấu trong nửa đầu năm, Nam A Bank dẫn đầu với mức tăng lên tới 83% lên 1.362 tỷ đồng. Tiếp theo là 2 “ông lớn” quốc doanh VietinBank và Vietcombank với 14.477 tỷ đồng và 6.865 tỷ đồng dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021. Con số này lần lượt tăng tương ứng 52% và 31% sau nửa năm. Số dư nợ xấu tăng trên 20% còn có ACB và SHB. Cuối quý II/2021, dư nợ xấu của ACB là 2.330 tỷ đồng (tăng 27%) và SHB (tăng 20%).
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, nhà băng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II thuộc về VPBank với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%). Trong đó, riêng nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%. Ngoài ra, top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến hết 30/6 còn bao gồm SHB, Sacombank, SCB, VIB và LienVietPostBank. Trong TOP 10 ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống, chỉ tính riêng 4 “ông lớn” quốc doanh đã chiếm khoảng 53,6%, tương đương khoảng 67.000 tỷ đồng.
Về thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Quy định này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phải dừng sản xuất… Do đó, nhiều khách hàng sẽ không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo các tổ chức tín dụng, thời gian qua, dịch Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng bị tác động nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phải giãn cách xã hội.
Tĩnh Kiên