Trong bối cảnh nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư “chảy” ra khỏi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất huy động thời gian để thu hút người gửi tiền trở lại…
Theo số liệu về tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán (chưa tính loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,35% so với cuối năm 2020.
Trong đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530 nghìn tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 7,8%.
Ngược lại tiền gửi dân cư tăng yếu, chỉ tăng thêm hơn 150.000 tỷ đồng, tương đương tăng 2,9%. Do đó, tiền gửi dân cư giảm 2 tháng liên tiếp (tháng 8, tháng 9). Tiền gửi của người dân trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng. Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi chứng khoán liên tiếp có những “cơn sóng”, giá vàng tăng… đã hút một lượng tiền lớn của dân cư vào những kênh đầu tư sinh lời mạnh này.
Còn ở diễn biến tích cực hơn, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng trở lại trong tháng 8/2021 (tăng 59.148 tỷ đồng) và tháng 9/2021 (tăng 113.858 tỷ đồng), sau khi giảm 25.906 tỷ đồng vào tháng 7/2021. Từ báo cáo tài chính quý III/2021 cũng cho thấy, có 6 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi gồm: Saigonbank (-1,2%), ABBank (-7,5%), NCB (-3,6%), SeABank (-2,5%), PGBank (- 6,7%). Các chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức rất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản lại thu hút tiền nhàn rỗi.
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1 – 1,5%/năm, khiến huy động vốn của hệ thống có xu hướng giảm, dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Vì thế, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn.
Trong khi, các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, nhất là trước áp lực lạm phát có thể tăng trong thời gian tới. Thông tin từ NHNN cho biết, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%).
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dựa trên các số liệu về tổng phương tiện thanh toán đến tháng 8.2021 cũng được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư đã giảm xấp xỉ 1.500 tỉ đồng trong tháng 9.2021. Đây cũng là tháng hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. “Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm (trung bình chỉ còn 5,5%/năm vào cuối tháng 10 với kỳ hạn 12 tháng, giảm khoảng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ) đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng” – chứng khoán BVSC đưa nhận định.
Theo giới chuyên môn, việc tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh có thể do làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở thời điểm này khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng. Đồng thời, nhiều tỉnh thành phố thực hiện phương án giãn cách xã hội nên người dân không thể đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Đáng chú ý, song song cùng khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9, các kênh đầu tư bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và tiền mã hóa lại ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân.
Gần đây, lượng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, liên tiếp lập kỷ lục. Riêng tại phiên giao dịch cuối tuần trước, giá trị giao dịch trên ba sàn chứng khoán đạt gần 56.340 tỷ đồng, vượt xa kỷ lục 52.145 tỷ đồng thiết lập cách đó hai tuần. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 – 2020 cộng lại.
Thêm vào đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tổng lượng phát hành riêng lẻ thành công trong 10 tháng đầu năm đạt 422,45 nghìn tỷ đồng. Thông thường mọi năm, tiền gửi của người dân vào hệ thống cũng luôn có dấu hiệu suy giảm so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, việc số dư tiền gửi của người dân giảm liên tiếp trong hai tháng ở thời gian này là hiếm thấy từ trước đến nay.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)