Trong những năm trước đây có hiện tượng doanh nghiệp thuộc “nhóm thân hữu, sân sau, sở hữu chéo” của ngân hàng thì tài sản bảo đảm có thể được định “vốn” giá trị cao lên, được vay nhiều hơn, thậm chí không có tài sản bảo đảm…
Không ít lĩnh vực đang xảy ra tình trạng DN “thân hữu”, “sân sau” cạnh tranh chưa sòng phẳng với các DN khác. Như trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (NH), nhờ có quan hệ thân thiết với NH nên không ít DN nhận được ưu đãi về tín dụng.
Một DN không thân thiết thường được các NH thương mại định giá tài sản khoảng 70% giá trị thị trường rồi cho vay 70% của giá trị tài sản mà NH định giá. Tính ra DN chỉ vay được 50% giá trị tài sản (tính theo giá trị thị trường) và lãi suất cho vay cao. Nhưng nếu DN đó là một cổ đông lớn của NH sẽ được định giá tài sản rất cao và cho vay lên tới 80%-90% giá trị tài sản, nhanh chóng phê duyệt khoản vay, đồng thời áp dụng lãi vay thấp.
Doanh nghiệp thuộc “nhóm thân hữu, sân sau, sở hữu chéo” của ngân hàng thì tài sản bảo đảm có thể được định “vống” giá trị cao lên, được vay nhiều hơn, thậm chí không có tài sản bảo đảm vẫn được vay tín dụng, kéo theo “rủi ro” lớn cho tổ chức tín dụng, phải có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp này.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Từ đó khắc phục các hiện tượng tiêu cực liên quan tới vấn đề “nhóm thân hữu, sân sau, sở hữu chéo”. Ông Châu khẳng định, cơ quan chức năng nên xử lý triệt để tình trạng “đấu giá cuội, quân xanh, quân đỏ” trong tổ chức thực hiện đấu giá. Đồng thời, ngăn chặn hiện tượng phần tử xấu ngoài xã hội tác động vào quá trình tổ chức thực hiện đấu giá.
Bên cạnh đó, ông Châu kiến nghị, cơ quan chức năng khắc phục những “bất cập” về áp dụng các phương pháp định giá đất, thẩm định giá đất của các tổ chức tư vấn thẩm định giá, để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định “giá khởi điểm đấu giá”. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng là bất động sản để phòng, chống tiêu cực, không làm thất thoát tài sản nhà nước, thất thu ngân sách nhà nước.
Hiện nay công tác đấu giá tài sản công đang có nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, trong việc định giá, thẩm định giá tài sản bảo đảm là bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: Trong điều kiện thị trường bất động sản bình thường, đối với đa số người có tài sản thế chấp thường được ngân hàng nhận thế chấp định giá bằng khoảng 60% giá trị thật và được cho vay bằng khoảng 60% giá trị tài sản được định giá.
Trong khi đó, với điều kiện thị trường bất động sản bị khủng hoảng, tài sản thế chấp chỉ được định giá bằng khoảng 45-50% giá trị; khoản cho vay bằng 60% giá trị tài sản được định giá. Ông Châu lấy ví dụ: Trong điều kiện thị trường bất động sản bị khủng hoảng, tài sản bảo đảm có giá trị 100 tỷ đồng, chỉ được ngân hàng định giá 45-50 tỷ đồng và chỉ cho vay 27-30 tỷ đồng. Người vay không trả được nợ, có nguy cơ bị mất tài sản thế chấp có giá trị 100 tỷ đồng. “Với cách định giá tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thì người vay tiền có “rủi ro” bị thiệt hại rất lớn”, ông Châu cho biết.
Tình trạng phân biệt đối xử với DN dân doanh, ưu ái DN “thân hữu”, “sân sau” đang tạo lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế. Ở lĩnh vực bất động sản, sự ưu ái này càng thể hiện rõ nét hơn nhìn từ những dự án, trong đó không ít dự án qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu của nhóm lợi ích.
Cương Nguyễn