Tính đến hết tháng 6-2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ ở mức 3,26%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tăng trưởng tín dụng tại TPHCM 6 tháng qua chỉ đạt 2,5%. Mặc dù ngân hàng nỗ lực đưa vốn ra thị trường, nhưng nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn thấp vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Lãi suất giảm vẫn ít người vay
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, ngành ngân hàng đã 3 lần đồng loạt giảm lãi suất huy động. Từ ngày 2-7, tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9%-4,05%/năm, lãi suất cao nhất 13 tháng khoảng 7,8%/năm. Không chỉ lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng thương mại và tổ chức, cá nhân) mà lãi suất liên ngân hàng (lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau) hiện cũng giảm mạnh, cho thấy thanh khoản của ngân hàng rất dồi dào. Chính vì thế, nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều gói lãi suất vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân để đẩy vốn ra thị trường.
Cụ thể, sau khi dành 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển kinh doanh sau dịch Covid-19, Sacombank vừa bổ sung 10.000 tỷ đồng vào nguồn vốn ưu đãi lãi suất; lãi suất vay chỉ từ 6,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh, lãi vay 7,5%/năm cho khách vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng…
Tương tự, ngoài các chính sách giảm lãi vay đến 2,5%/năm dành cho các khách hàng là DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Vietcapital Bank cũng dành 6.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi để giúp các DN phục hồi sau dịch như bổ sung vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu…
Tuy nhiên, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết dù ngân hàng này đã giảm 0,5%-1%/năm lãi suất vay cho khách hàng vay mới sau dịch Covid-19, cũng như đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng, song vẫn khó giải ngân do không có người vay, vì nhu cầu vốn của khách hàng giảm.
Điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng ngoài giảm lãi suất huy động đầu vào còn phải tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn giảm mạnh, hệ thống ngân hàng lại không thiếu vốn, vì vậy không ít ngân hàng đã chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” để giảm thêm lãi suất cho vay.
Vietinbank cho biết, năm 2020, ngân hàng này cam kết dành khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng, mặc dù việc hỗ trợ này sẽ tác động trực tiếp đến chỉ tiêu lợi nhuận.
Tương tự, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết đầu năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 26.600 tỷ đồng, kỳ vọng tăng tín dụng trên 14%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng để cơ cấu lại nợ cho khách hàng, giảm 10% trên tổng số lãi phải trả đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tính ra số tiền phải giảm là 2.240 tỷ đồng, bằng lợi nhuận của một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ và vừa.
Sacombank cũng đã cơ cấu khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặc dù vậy cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 50% dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng và sẽ tiếp tục cơ cấu, giảm/giãn nợ cho khách hàng trong thời gian tới. Sacombank cũng phải điều chỉnh lợi nhuận giảm 20%, tức giảm 40% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, các ngân hàng đều hy vọng sẽ nỗ lực để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng với năm 2019.
Năm 2020 là một năm khó khăn với ngành ngân hàng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%. Nhưng 6 tháng qua, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ ở mức 3,26%. Trong 6 tháng cuối năm, giữa bối cảnh thị trường hiện nay, nhu cầu vốn của khách hàng giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tín dụng chắc khó tăng cao.
Dù vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, hệ thống tổ chức tín dụng đã và sẽ bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tính đến ngày 22-6, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ngân hàng nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng, với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng, với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5%-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch.