Ngân hàng thuần số đầu tiên hình thành tại Việt Nam từ giai đoạn 2015 – 2016, nhưng phải tới sau đại dịch Covid-19 mới có nhiều độ phá khi xuất hiện thêm nhiều “người chơi” mới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các ngân hàng số đang chững lại khi đối mặt với nhiều câu hỏi về pháp lý, mô hình và tính hiệu quả.
Ngân hàng số: Điểm khởi đầu và thời bùng nổ
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn lĩnh vực tài chính – ngân hàng, điển hình là sự bùng nổ của công nghệ tài chính (Fintech) và cuộc đua chuyển đổi số của toàn hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh này, ngân hàng thuần số (Digital-only Bank hay Neobank) ra đời như một xu hướng tất yếu, kết hợp giữa công nghệ tài chính và các dịch vụ ngân hàng, nhằm mang lại trải nghiệm hiện đại và thuận tiện cho người dùng.
Ngân hàng thuần số TNEX định nghĩa mô hình này là ngân hàng không có phòng giao dịch hay chi nhánh, với tất cả hoạt động đều được thực hiện trên ứng dụng di động của người dùng. Từ việc mở tài khoản, phát hành thẻ, cấp lại số PIN, đổi mật khẩu… đều được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. TNEX cho biết, mô hình này giúp đơn giản hóa quy trình, tối ưu hóa thời gian cho khách hàng khi không cần phải đến quầy giao dịch.
Tại Việt Nam, TNEX không phải là ngân hàng thuần số đầu tiên. Giai đoạn 2015–2016, Ngân hàng số Timo ra đời, đánh dấu sự xuất hiện lần đầu của nền tảng ngân hàng thuần số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Timo vẫn duy trì một số chi nhánh vật lý, được gọi là “Hangout”, nhằm hỗ trợ khách hàng trực tiếp. Số lượng các Hangout này khá hạn chế, hiện chỉ có bốn chi nhánh tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, và Cần Thơ.
So với thời điểm ngân hàng thuần số đầu tiên ra đời trên thế giới (2009–2010), Việt Nam đã đón nhận mô hình này chậm khoảng 5–6 năm. Dù Timo ra đời từ giai đoạn 2015–2016, phải đến năm 2020, thị trường Việt Nam mới chứng kiến sự xuất hiện của một loạt các ngân hàng thuần số khác như TNEX (ra mắt năm 2020), Cake by VPBank (năm 2021), Liobank (năm 2023), và Vikki (năm 2024).
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của các ngân hàng thuần số trong giai đoạn này phần lớn được thúc đẩy bởi xu hướng tiêu dùng không tiền mặt sau đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ưu tiên các dịch vụ có thể thực hiện từ xa và “không chạm”, đáp ứng tốt với mô hình ngân hàng thuần số không có chi nhánh vật lý.
Theo số liệu của VietnamFinance, Cake by VPBank đã thu hút hơn 4,6 triệu khách hàng cá nhân, quản lý khoảng 8.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm từ khách hàng cá nhân và xử lý hàng triệu giao dịch cùng lúc. TNEX, chỉ trong vòng một năm đã đạt 1 triệu người dùng và đến giữa năm 2024, con số này đã gần chạm mức 2 triệu. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, Liobank cũng đã xử lý gần 10 triệu giao dịch, tăng trưởng 200% so với năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng, thành công của các ngân hàng thuần số phần lớn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), giúp người dùng đăng ký và sử dụng các dịch vụ như mở tài khoản, thẻ ghi nợ, tiết kiệm, cho vay và thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhờ đó, các ngân hàng thuần số đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ có hiểu biết về công nghệ. Ngoài ra, mô hình này còn phá bỏ rào cản địa lý, đưa các dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với người dân không chỉ tại các thành phố lớn mà còn ở vùng nông thôn.
Non trẻ và nhiều hạn chế
Dù đã phát triển tại Việt Nam khoảng 8 năm, các ngân hàng thuần số vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu khi so với sự phát triển của mô hình này trên toàn cầu. Hiện tại, tất cả các ngân hàng thuần số ở Việt Nam đều hoạt động dưới dạng bộ phận hoặc công ty con của các ngân hàng truyền thống, như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), và Ngân hàng TMCP TP. HCM (HDBank).
Một trong những hạn chế lớn của các ngân hàng thuần số hiện nay là chưa có quy định pháp lý rõ ràng. Khung pháp lý hiện hành vẫn chưa đề cập hoặc điều chỉnh cụ thể đối với mô hình ngân hàng thuần số, dẫn đến những hạn chế trong phạm vi hoạt động, khả năng phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, các dịch vụ mà ngân hàng thuần số cung cấp chủ yếu tập trung vào mở tài khoản, huy động tiền gửi, thanh toán nhanh, và một số dịch vụ cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ. Điều này khiến cho ngân hàng thuần số chưa thực sự tạo được khác biệt so với các ngân hàng truyền thống, đặc biệt khi các ngân hàng này đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, sự hạn chế về sản phẩm cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ FIMI, nhận định rằng các ngân hàng thuần số hiện nay chưa đa dạng hóa sản phẩm, thường chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như tài khoản thanh toán và vay tiêu dùng nhỏ. Đối với những sản phẩm tài chính phức tạp hơn như cho vay tín dụng lớn, thế chấp, hoặc các gói đầu tư, ngân hàng thuần số còn gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, đặc điểm khách hàng của ngân hàng thuần số chủ yếu là giới trẻ – nhóm đối tượng có nhu cầu vay tiêu dùng và sử dụng thẻ tín dụng cao nhưng lại ít gửi tiết kiệm số tiền lớn, gây khó khăn cho ngân hàng thuần số trong việc huy động vốn.
Trong khi đó, nhóm khách hàng lớn tuổi, có tiềm năng về tiền gửi tiết kiệm và các dịch vụ tài chính sinh lời cao, lại khó tiếp cận với ngân hàng thuần số do còn e ngại với các sản phẩm công nghệ mới. Sự lệch pha này khiến ngân hàng thuần số phải đối mặt với bài toán khó trong việc thu hút vốn và mở rộng tệp khách hàng.
Ngoài ra, khi ngân hàng thuần số gặp cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng truyền thống đang đẩy mạnh số hóa, cũng như các công ty Fintech ngày càng lớn mạnh, việc tạo dấu ấn riêng trong thị trường là điều không dễ dàng. Để tăng khả năng cạnh tranh, các ngân hàng thuần số cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Việc phát triển hệ sinh thái tài chính số toàn diện cũng là một hướng đi khả thi để thu hút các khách hàng tiềm năng từ nhiều phân khúc khác nhau, tạo đà phát triển bền vững cho mô hình ngân hàng này.
Bài toán của ngân hàng mẹ
Dù đã đạt được những thành tựu nhất định, không phải ngân hàng thuần số nào cũng đủ “sức khoẻ” để trụ lực trong bối cảnh các dịch vụ tài chính ngân hàng đang cạnh tranh vô cùng gay gắt. Theo tiết lộ của một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, một số dự án ngân hàng thuần số không tiến tới được kỳ vọng của ngân hàng mẹ, cũng như chưa chứng minh được về khả năng hoạt động hiệu quả trong tương lai.
Vị này cho rằng, điều này có thể dẫn tới bài toán cho ngân hàng mẹ, giữa việc tập trung số hoá các dịch vụ ngân hàng của mình với việc phát triển các dự án ngân hàng thuần số. Dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có ngân hàng thuần số nào cho biết về khả năng dừng hoạt động. Mặt khác, một ngân hàng thuần số lại tiết lộ rằng họ có thể tiến tới điểm hoà vốn trước kế hoạch và đang rất tự tin với lộ trình phát triển của mình.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, để có thể trở mình và phát triển độc lập trong tương lai, các ngân hàng thuần số cần tập trung vào các sản phẩm tài chính vi mô, linh hoạt và dễ dàng để thu hút các đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích các dịch vụ tài chính nhanh chóng mà không cần đến chi nhánh.
Cùng với đó, cần mở rộng hợp tác cùng các đơn vị cung cấp sản phẩm – dịch vụ để đưa các giải pháp tài chính vi mô vào tiếp cận, nhanh chóng cung cấp các sản phẩm tài chính cho khách hàng tiềm năng nhằm tăng cường sự hiện diện và bao phủ thị trường; xây dựng mô hình trợ lý tài chính cá nhân dựa trên các dữ liệu cá nhân (thu nhập, chi tiêu, mục tiêu tài chính) để đưa ra các kế hoạch tài chính, cũng như lời khuyên về việc sử dụng các sản phẩm tài chính nhỏ như vay tiêu dùng, tiết kiệm, hoặc đầu tư.