Với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng không nhiều. Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 không thể bỏ trần tín dụng…
Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì trong 10 năm qua. Từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát vọt lên mức hai con số, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng cho vay, cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền, lạm phát…
Theo ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, diễn biến phức tạp, sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam là rất lớn. Việc điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng… phải tính đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.
Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, nhưng tỷ lệ tín dụng/GDP đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Vì thế, ông John Andre cho rằng, nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh có thể gia tăng nguy cơ rủi ro lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng theo, đe dọa sự an toàn của cả hệ thống tài chính.
Thực tế, nhiều ý kiến vẫn đánh giá cao công cụ trần tín dụng, vì nếu dỡ bỏ thì rất có thể các ngân hàng sẽ quay trở lại việc phát triển theo chiều rộng, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn rủi ro cao.
Lãnh đạo Vietcombank đánh giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng đã góp vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ khoa học, đồng thời áp dụng một số chỉ tiêu để cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Chính phủ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng với từng tổ chức tín dụng. Ngân hàng trung ương cũng đã nắm bắt nhu cầu mở rộng dư nợ cho vay căn cứ theo diễn biến thị trường.
Thực tế điều hành, Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn để ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất trước những biến động khó lường, phức tạp ngoài dự đoán và chưa có tiền lệ trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,58%, nhưng áp lực lạm phát sắp tới dự kiến rất lớn. Trong 8 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, để không bị cuốn theo vòng xoáy mất giá nội tệ như nhiều nước, giữ ổn định tương đối giá trị của tiền đồng. Mặt khác, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ từ ngành ngân hàng, mà còn từ thị trường vốn, đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài.
Vì thế, các ngân hàng khó có thể kỳ vọng được nới thêm room tín dụng trong quý còn lại của năm 2022, sau đợt cấp thêm hạn mức cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 vừa qua.
Tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng chia sẻ, với hạn mức tín dụng được cấp thêm chưa tới 3%, dư địa cho vay còn lại trong 3 tháng cuối năm 2022 không nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cùng với chủ trương kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì khả năng tín dụng sẽ khó có thể được nới thêm. Do đó, ngân hàng sẽ phải xoay xở trong mọi tình huống, chọn lọc khách hàng tốt để cung ứng vốn cho doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cuối năm.
Tương tự, với room tín dụng được cấp mới hạn chế, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, ngân hàng sẽ đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đã đến hạn để mở rộng dư địa cho tín dụng mới, đồng thời đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, cụ thể là chỉ xem xét cho vay ngắn hạn, các khoản cho vay tiêu dùng trong thời gian ngắn từ 1 – 3 tháng.
Trong đợt cấp tín dụng tháng 9, 18 ngân hàng được cấp thêm chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT ước tính, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm 2022, tiệm cận mức định hướng 14% của cơ quan quản lý. Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng không nhiều.
Tổng Hợp