Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/7/2023, cơ quan này cho biết, điều hành chính sách tiền tệ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục gia tăng và duy trì cao, đồng USD tiếp tục tăng giá…; Nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm… kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.
Bởi vậy, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tương lai…
Cùng đó, các kênh vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao tiềm ẩn rủi ro tài chính tiền tệ.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ứng phó.
Thứ nhất, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có).
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Theo dõi, giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2023; tiếp tục giám sát toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng để kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Trong đó, tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023; tiếp tục nghiên cứu, rà soát việc cần thiết sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Tổng Hợp
(VnEconomy)