Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023: Đó là khẳng định của ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khi nói về định hướng điều hành tín dụng trong năm mới 2023.
Ngày 27/12, phát biểu tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày hôm nay đạt khoảng 13%. Trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 6%.
Như vậy, room tín dụng năm nay vẫn dư thừa 1% (chưa kể room tín dụng được nới thêm). Lý giải về việc nới room tín dụng thêm 1,5-2%, Phó Thống đốc cho biết, việc nới room không phải chỉ vì sức ép của doanh nghiệp mà chủ yếu do sức ép của tình hình kinh tếthế giới vào Việt Nam giảm bớt, các chỉ tiêu lớn về vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, thanh khoản)… đảm bảo, giúp NHNN yên tâm nới thêm room tín dụng.
“Điều hành chính sách tiền tệ không phải năm nào chỉ biết năm đó mà phải tính toán cho độ trễ dài hạn 2-3 năm nên việc đưa ra hạn mức tín dụng phải thận trọng”, Phó Thống đốc cho biết.
Trước đó, trong một báo cáo chiến lược tháng 12, các chuyên gia nghiên cứu tại Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã đưa ra những dự báo về chính sách tiền tệ cho năm 2023.
Theo Mirae Asset Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu.
Ngoài ra, các động thái thắt chặt cung tiền như rút tiền đồng qua kênh OMO và bán ngoại tệ nhằm kiềm chế biến động tỷ giá, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn.
Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2 điểm %, và khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngõ. Trong khi triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.
Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, Mirae Asset Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng trên còn chưa chạm tới hạn mức (room) tín dụng cũ (14%) và còn cách xa room tín dụng mới (15,5-16%) sau khi Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5% – 2% trong thời gian vừa qua.
“Hé lộ” về hạn mức tín dụng năm 2023, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho hay, mặc dù lạm phát của Việt Nam năm nay khả năng dưới 4% bình quân nhưng lạm phát lõi cơ bản tăng nhanh và có dấu hiệu đáng quan ngại.
Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 11 đã tăng hơn 4,82% và tháng 12 này có thể tăng hơn 5% (dự báo) – mức tăng cao nhất 10 năm qua, gây sức ép lớn tới lạm phát năm 2023.
Vì vậy, trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước là không thể chủ quan với lạm phát. Luật Ngân hàng nhà nước quy định rất rõ, là phải kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Do đó, tất cả các định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước cũng phải theo mục tiêu xuyên suốt đó là kiểm soát lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường, đặc biệt là sự bền vững, an toàn của các tổ chức tín dụng.
Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP), tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam rất mạnh trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vẫn tăng lãi suất năm 2023 và duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến năm 2024. Chính vì vậy, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc thận trọng – theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.
“Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc. Riêng với điều hành tín dụng năm 2023 cũng như các năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn có thông điệp rất rõ ràng đó là Ngân hàng Nhà nước luôn luôn hỗ trợ, cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Luôn lấy mục tiêu lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng”, ông Quang khẳng định.
Lý giải thêm về việc vì sao Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, ông Quang cho hay: Nếu nhìn sâu vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB luôn cảnh báo về mức độ rủi ro, an toàn thông qua tỷ lệ đòn bẩy tín dụng.
Hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam là một trong nước cao nhất, lên tới 124%. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới, tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, rõ ràng tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, gây áp lực rủi ro tới hệ thống, đặc biệt là an toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh năng lực tài chính của nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế”.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Báo Đầu Tư)