Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên hôm nay (27/10). Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 7/8 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với các phiên trước đó.
Mặt khác, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng giảm về 1,45% từ mức 1,5% trong phiên trước đó.
Ở chiều ngược lại, có 3.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên hôm nay và kênh cầm cố giấy tờ có giá tiếp tục không phát sinh giao dịch. Như vậy, NHNN đã hút ròng 11.200 tỷ đồng trong ngày 27/10. Như vậy, sau 6 phiên liên tiếp ở trạng thái bơm ròng, NHNN đã trở lại hút ròng thành khoản hệ thống ngân hàng.
Trước đó, các lô tín phiếu 28 ngày đầu tiên đã bắt đầu đáo hạn từ phiên 19/10. Tổng cộng 6 phiên giao dịch từ 19/10 đến 26/10, có tới gần 89.995 tỷ đồng tín phiếu cũ đáo hạn trong khi chỉ có 16.450 tỷ đồng tín phiếu mới được phát hành. Tính chung, NHNN đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng tổng cộng gần 73.545 tỷ đồng.
Sau phiên giao dịch hôm nay, lượng tín phiếu lưu hành đã tăng lên mức 193.350 tỷ đồng, tương đương lượng VND được NHNN hút ra khỏi hệ thống.
Giới phân tích cho rằng NHNN tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới, thay thế lượng tín phiếu cũ đáo hạn nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, duy trì chênh lệch lãi suất USD – VND trong “vùng an toàn”, nhất là trong bối cảnh cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 sắp tới gần.
Thực tế, sau hơn 1 tháng liên tục phát hành tín phiếu, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng trở lại.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90% giá trị giao dịch) trong phiên 25/10 đã tăng mạnh lên 2,72% từ mức 0,16 – 0,19% ghi nhận vào cuối tháng 9. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đều tăng mạnh.
Giảm 4 lần lãi suất điều hành liên tiếp cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại đưa lãi suất về mức “chạm đáy” trong vòng 3 năm.
Hiện lãi suất vẫn tiếp tục giảm sâu, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank đầu tuần này vừa giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ ổn định lãi suất huy động. Theo đó, mức huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng. Các kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất dao động quanh mức 5,3 – 5,7%/năm tùy theo ngân hàng và thời gian gửi.
Lãi suất huy động và cho vay đều giảm, đáng lẽ sẽ gián tiếp kích thích dòng tiền tìm đến một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán phản ứng ngược lại khi liên tục giảm điểm. Đỉnh điểm là ngày 26/10, chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch “đáng quên” khi áp lực bán trên diện rộng xuất hiện ngay từ phút mở cửa. VN-Index nhanh chóng mất điểm, có thời điểm thủng mốc 1.050 điểm trước khi hồi phục đôi chút vào cuối phiên.
Tổng Hợp