11/10 là phiên thứ hai hệ thống ngân hàng đón nhận “biến cố” bất lợi từ biến động thanh khoản liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền mạnh. Phiên thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước bơm tiền mạnh ra thị trường, nhưng đã có dấu hiệu “ế” đáng kể. Lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt.
Trong phiên hôm qua, hệ thống đã không hấp thụ hết lượng Nhà điều hành chào thầu; và đáng chú ý là lãi suất giảm khá mạnh.
Cụ thể, phiên 11/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày và 22.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất; tổng khối lượng theo đó là 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 26.088,05 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất ở mức 5,0% cả 2 kỳ hạn, đồng nghĩa lượng chào còn “ế” gần 4.000 tỷ đồng.
Không những thế, các thành viên tham gia còn trả lại Ngân hàng Nhà nước gần 12.000 tỷ đồng do lượng vay trước đó đáo hạn.
Như vậy, “qua sự kiện SCB”, Ngân hàng Nhà nước đã có hai phiên bơm ròng liên tiếp khá lớn. Điểm chung, kỳ hạn bơm hỗ trợ thanh khoản hệ thống dài hơn trước, với 14 và 28 ngày thay vì rất ngắn chỉ 7 ngày trước đó.
Điểm được chú ý tiếp theo, lãi suất hỗ trợ nguồn ở đây giảm mạnh, không quyết liệt như trước đó (qua đấu thầu lãi suất), khi chỉ 5%/năm. Mức lãi suất này một mặt thấp hơn các mức 6,5-6,9%/năm hơn một tuần trước, mặt khác lại được áp cho kỳ hạn dài hạn là 14 và 28 ngày. Trong cân đối vốn ngân hàng, kỳ hạn càng dài thông thường chi phí sẽ phải cao hơn, nhưng nay có “mềm” hơn trước.
Tuy vậy, ở cân đối tổng thể, hệ thống hiện vẫn đang phải mượn tới 74.459,56 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước qua số dư trên kênh cầm cố thị trường mở; trong khi họ cũng đã có 38.398,9 tỷ đồng tạm gửi ở Nhà điều hành ở kênh tín phiếu; theo đó, tổng vốn hỗ trợ ròng từ Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn hơn 36.000 tỷ đồng.
“Đồng thuận” với diễn biến trên, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hôm qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi giảm khá mạnh ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,37 – 0,62 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, qua đêm còn 6,94%, 1 tuần 7,30%, 2 tuần 7,44% và 1 tháng 7,69%.
Với những diễn biến trên, thanh khoản hệ thống và cân đối nguồn đã bớt căng thẳng. Nhưng, ở một diễn biến khác, tỷ giá USD/VND lại trở lại gây áp lực.
Hôm qua, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh trở lại; chốt phiên với mức 23.936 VND/USD, tăng tới 50 đồng so với phiên 10/10. Theo đó, một lần nữa, giá USD giao ngay trên thị trường này đã lại vượt trên mức Ngân hàng Nhà nước yết bán ra (23.925 VND).
Với trường hợp ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản tạm thời, nhất là do yếu tố bất thường và đột ngột, NHNN có thể mở các kênh hỗ trợ trực tiếp. Đây cũng là điểm dư luận quan tâm thời gian qua.
Bên cạnh ngân hàng đó có quỹ dự phòng thanh khoản, theo các tỷ lệ quy định, họ có thể tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, trên thị trường mở (OMO) – nơi mà suốt thời gian qua NHNN luôn duy trì trạng thái chào thầu tạo cung ngay cả khi hệ thống có dư thừa.
Thứ nữa, NHNN có thể thực hiện cho vay tái cấp vốn trực tiếp.
Trường hợp đặc biệt, nếu trong diện tái cơ cấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng có thể được xem xét điều chỉnh theo hướng hạ xuống.
Và không chỉ riêng NHNN, từ trong năm 2021 đến nay Bộ Tài chính (qua đầu mối Kho bạc Nhà nước) vẫn thường xuyên thực hiện nghiệp vụ mua lại trước hạn trái phiếu Chính phủ – một kênh tái tạo vốn cho hệ thống ngân hàng, nếu cần.
Trong những trường hợp trên, một trong những điều kiện tiên quyết là ngân hàng cần hỗ trợ thanh khoản phải có tài sản cầm cố, làm cơ sở để tiếp cận “vốn nóng”. Tài sản hàng đầu, có giá trị thanh khoản sau tiền mặt, là trái phiếu Chính phủ. Trong quá trình hoạt động, hầu hết các ngân hàng thương mại đều duy trì tài sản này với giá trị là một kênh đầu tư, cũng là một tài sản dự phòng bởi khả năng chuyển thành tiền mặt có thể nói là nhanh nhất.
Tổng Hợp