Đến cuối tháng 5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm so với đầu năm 2020. Nguồn vốn tại ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay vốn dồi dào.
Đó là thông tin được NHNN đưa ra tại họp báo hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam suy giảm do dịch COVID-19, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Từ đó, giúp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Đến ngày 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,4% so với cuối năm 2019, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện tín dụng tăng thấp chỉ 1,96%. Đây là mức thấp do tác động đại dịch COVID-19. Hệ thống ngân hàng hoạt động tín dụng nên mong muốn có khách hàng đủ điều kiện để cho vay. Ngân hàng mong muốn tìm được doanh nghiệp (DN) để cho vay. Nhu cầu vay mới chưa nhiều do DN giải quyết vấn đề đến hạn chưa trả được nợ. Ngành ngân hàng sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho DN, người dân phục vụ tái trở lại sản xuất kinh doanh bình thường.
“Tại địa phương, có hiện tượng nhiều nơi dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay. Thời gian tới, chúng tôi cân nhắc điều chuyển vốn trong hệ thống để đưa vốn từ địa phương thừa sang địa phương thiếu. NHNN tiếp tục giải pháp điều hành qua chính sách tiền tệ để duy trì cân đối, hợp lý và tái cấp vốn cho TCTD cho DN, người dân”, bà Hồng nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho biết, từ đầu năm tới nay đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5% để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Giảm 0,6-0,75% trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất xu hướng giảm so với đầu năm.
Với gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho DN vay tiền trả lương cho người lao động do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện, đến nay chưa giải ngân được. Theo đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân tuy nhiên chưa có DN nào đủ điều kiện để giải ngân. Ngoài ra, nhờ việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên cộng đồng DN dần hồi phục cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng DN tìm đến gói hỗ trợ này ít hơn.