Thủ tướng: Các ngân hàng nên xem chia sẻ ra sao với người dân chứ không nhằm ‘lợi nhuận kếch xù’.
Thủ tướng thẳng thắng hỏi lãnh đạo ngân hàng năm nay chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất ra sao, chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu, tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan điều hành tiền tệ đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất, với tổng mức giảm tới 1,5- 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các tổ chức tín dụng cũng giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
So với năm 2019, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Nhu cầu yếu vì COVID-19, tín dụng mới tăng hơn 10%
Tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 sáng nay, 26/12, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng mới tăng 10,14% so với cuối năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ năm 2021 cho ngành ngân hàng tại hội nghị ngày 26/12. Ảnh: VGP |
Không chỉ cầu tín dụng yếu mà dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịchlên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 26% tổng dư nơ hệ thống. Bên cạnh đó khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ngân hàng.
Đáng chú ý là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng. Gần 590.000 khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.
Về phí dịch vụ thanh toán, sau 2 lần miễn, giảm cho khách, tổng số tiền ngân hàng thực hiện đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Đại dịch COVID-19 khiến thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020. Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng coi lợi nhuận là tối đa
Ngân hàng không chỉ cho vay mà còn hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Báo Đầu tư |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 với rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19. Ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ngân hàng không chỉ chủ động sớm có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, mà còn ứng phó với bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá cao ngân hành mạnh tay giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ nền kinh tế, ghi nhận nỗ lực, sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp các bộ, ngành làm việc với các đối tác quốc tế, không để tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng việc giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận, mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Câu hỏi người đứng đầu Chính phủ đặt ra với lãnh đạo các ngân hàng thương mại là “năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu”.
Thực tế, để hoạt động hiệu quả, ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp làm sao có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Về nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, để đóng góp vào tăng trưởng, vì tín dụng là một kênh quan trọng đối với sự phát triển.
Bên cạnh đó là tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra với ngành ngân hàng năm 2021 là dứt khoát không để thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Ảnh: Báo Nhân dân |
“Bài học kiểm soát lạm phát của nước ta thời gian qua cũng như thời gian đến là bài học xương máu. Nếu để lạm phát tăng vọt lên thì trách nhiệm của chúng ta rất lớn”. Đi liền với đó, “dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng.
Bài toán giảm thiểu nợ xấu gia tăng, xử lý nợ xấu tồn đọng
Thủ tướng lưu ý ảnh hưởng của COVID-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Cùng với mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, phải vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý nợ xấu tồn đọng, bảo đảm hệ thống phát triển ổn định, bền vững. Với mục tiêu hướng đến có một số ngân hàng thương mại lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất trong khu vực.
“Chúng ta có 49 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân với số dư tín dụng đến 9 triệu tỷ đồng, con số rất lớn nên phải giám sát, thanh tra thế nào” Thủ tướng đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.