“Vượt” rủi ro thanh khoản và danh tiếng, ngân hàng đang đối mặt rủi ro trọng yếu nhất là tín dụng.
Đó là chia sẻ của các ngân hàng tại diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 10/5.
Nói về khó khăn của ngành, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may là ngành thâm dụng lao động rất lớn. Từ cuối quý III/2022, số lượng đơn hàng giảm 15% và đơn giá giảm 20-30%, thậm chí 40-50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra.
Ông cho biết, sau khi Covid-19 hạ nhiệt, đơn hàng tập trung rất lớn nên sản xuất ổn định, sản lượng lớn. Nhưng khi thế giới xuất hiện những biến động về kinh tế, chính trị, hàng hóa của ngành không tiêu thụ được, tồn khoảng 25% lượng hàng. Cùng với đó, chi phí vốn tăng cao trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngành, không chỉ riêng dệt may. Tất cả những khó khăn này tiếp tục kéo dài sang năm 2023, theo ông Cẩm. Đó cũng là lý do số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thế lớn và cao hơn số doanh nghiệp mở mới. Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ khoảng 3%.
Ông Cẩm cũng bày tỏ quan ngại thị trường chỉ ấm trở lại từ quý III/2023, trong khi dự báo trước đó là quý II/2023 thị trường sẽ tốt hơn.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá cao việc điều hành lãi suất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, điển hình như việc giảm lãi suất hay ban hành Thông tư 02/2023 giúp cơ cấu lại nhóm nợ.
Tuy nhiên, ông vẫn kỳ vọng ngành Ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế, bởi hiện nay dư nợ dành cho ngành Dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành này rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thừa nhận, bản thân ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ dành cho DNNVV, hỗ trợ bán lẻ với lãi suất cố định trong ngắn – dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng.
“Đó là nỗ lực của ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng sẽ có chính sách tương tự, nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, nhất là cách ngành xây lắp, du lịch, logistics. OCB sẽ tranh thủ cơ hội, room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ khách hàng”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại ACB, ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân (gồm 2.900 khách hàng cá nhân và 7.600 doanh nghiệp), trong đó giảm 200 điểm phần trăm lãi suất cho vay với khách hàng thông thường, 300 điểm với khách hàng mới.
Với thông tư 02, ông Nguyễn Đức Thái Hân – Phó Tổng Giám đốc ACB cho hay, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng.
“Bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một hoạt động kinh doanh đặc biệt. Chúng tôi sẽ áp dụng một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, Phó Tổng Giám đốc ACB nhấn mạnh.
Trước câu hỏi, ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp ra sao trong thời gian qua? Ông Lê Thanh Tùng – Thành viên HĐQT VietinBank chia sẻ: Tới quý I/2023, tín dụng toàn ngành chỉ tăng hơn 2%, trong khi cùng kỳ là 5%. Điều này cho thấy, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang chững lại.
Dẫn chia sẻ của Hiệp hội Dệt may, cho rằng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất khi chi phí vốn tăng cao, người dân cũng thu hẹp tài chính. Ông Tùng cho rằng, tất cả đã tác động tới hoạt động của ngành ngân hàng.
“Ngân hàng là hàn thử biểu của nền kinh tế, có nghĩa là doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Thống kê 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận quý I/2023 đã sụt giảm 4,4%. Ngân hàng cũng đối mặt với nhiều rủi ro, năm 2022 là thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, và đâu đó là rủi ro danh tiếng do ảnh hưởng từ trái phiếu – bảo hiểm. Năm 2023, ngân hàng đối mặt với rủi ro trọng yếu nhất là rủi ro tín dụng khi chất lượng nợ suy giảm; rủi ro an ninh khi trộm cướp phát sinh; rủi ro nội bộ hoặc bị tấn công mạng từ bên ngoài,…”, ông Lê Thanh Tùng chỉ rõ.
Cũng theo chia sẻ của vị lãnh đạo đến từ ngân hàng này, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng, chất lượng nợ suy giảm ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, do đó ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng. Chưa kể, với các ngân hàng thương mại nhà nước như VietinBank còn phải giảm lãi suất.
Thống kê gần 30 ngân hàng trên sàn chứng khoán báo cáo tài chính quý I. lợi nhuận sụt giảm 4,4% so với cùng kỳ.
Tổng Hợp
(Dân Việt)