Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm lây lan nhanh, nhiều tỉnh, thành phố kéo dài giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp và người vay mua nhà rơi vào cảnh khó khăn. Ngân hàng cho biết đã giảm lãi suất 1% – 1,5% so với mức lãi suất hiện hành…
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/7, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lũy kế từ 23/1/2020 đến 30/8/2021 là khoảng 18.886 tỷ đồng.
Việc điều hành giảm các mức lãi suất cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm.
Dù lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm sâu và đứng ở mức thấp thời gian gần đây, nhưng lãi suất cho vay cứ đến hẹn lại tăng, đẩy nhiều khách vay vào thế khó trong bối cảnh bị mất thu nhập khi giãn cách xã hội kéo dài. Theo các chuyên gia, việc phân biệt đối xử và không hỗ trợ khách vay mua nhà là không công bằng và chưa hợp lý do dịch bệnh gây ảnh hưởng chung chứ không phải khó khăn riêng của nội tại ngành bất động sản.
Hiện nay nhiều ngân hàng tiếp tục chủ động đưa ra các gói vay lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Cụ thể, Agribank cho biết ngân hàng sẽ cân đối 30.000 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ để hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, bao gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh,…
Theo đó, khách hàng được giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm. Đối với các khoản vay ngắn hạn, Agribank giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm đối với khách hàng vay vốn tham gia vào một trong các khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, nông sản, thủy, hải sản, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động phục vụ công tác phòng, chống dịch,…
Lãi suất cho vay ưu đãi sẽ được áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Thời gian thực hiện kéo dài đến hết ngày 31/12. Tại SCB, ngoài việc hỗ trợ giảm phí, lãi cho khách hàng hiện hữu, ngân hàng còn cung cấp các khoản vay mới (bao gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn) với mức lãi suất ưu đãi đến hết ngày 31/12; giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu.
Gần đây, Saigonbank đã ra thông báo sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay và triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Mức giảm lãi suất sẽ từ 0,5%/năm hoặc cao hơn tuỳ từng trường hợp cụ thể đối với các khách hàng có dư nợ tại Saigonbank mà nguồn thu nhập trả nợ đang chịu ảnh hưởng từ COVID-19.
Ngân hàng cũng ban hành gói tín dụng lãi suất cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn 1,5%/năm so với khung lãi suất hiện hành. Chính sách này được áp dụng đối với các khoản vay là khoản giải ngân phát sinh mới từ ngày 1/9 có mục đích vay vốn để khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm lây lan nhanh, nhiều tỉnh, thành phố kéo dài giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp và người vay mua nhà rơi vào cảnh khó khăn.
Đối với nhiều người vay mua nhà, khoản trả nợ tiền mua nhà chiếm khoảng 30% – 50% tổng thu nhập hàng tháng tại các gia đình. Thu nhập giảm trong khi tiền lãi suất trung bình phải trả sau khi hết ưu đãi từ chủ đầu tư rơi vào khoảng từ 9%/năm đến 12%/năm khiến một số người không đủ khả năng trả nợ. Đại diện một số ngân hàng cho biết đã giảm lãi suất 1% – 1,5% so với mức lãi suất hiện hành đối với các trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán do thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh.
ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho biết vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Ngoài ra các ngân hàng cũng được cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 30-6-2022.
Do vậy người vay nên đọc kỹ quy định của thông tư này, nếu thuộc diện theo quy định thì có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Trường hợp bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 14 chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay, do vậy sẽ tùy ở quyết định của các ngân hàng.
Tĩnh Kiên