Việc phát triển thị trường vốn trong những năm gần đây tạo đa dạng sản phẩm tài chính, các kênh đầu tư cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, theo Bộ trưởng tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.
Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua TPDN. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.
Nêu quan điểm của mình, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, thị trường vốn của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây nhưng quy mô vốn ở Việt Nam còn nhỏ và tiềm năng thì rất lớn. Nó thể hiện ở nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi, đang có nhu cầu vốn rất lớn.
Chính vì quy mô nhỏ và nhu cầu sử dụng vốn lớn và tiềm năng phát triển thị trường được đánh giá là tiềm năng tốt. Đây chính là cơ sở đặt ra để nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào nhu cầu vốn ở Việt Nam – theo ông Cường. Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn, đây là tiềm năng để tiếp cận đầu tư.
Tuy nhiên Việt Nam có đặc điểm rất khác biệt, đó là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp. GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý “bầy đàn”, rất dễ bị dẫn dắt.
Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, theo ông Cường quy mô rất nhỏ. Điều đáng nói, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 90% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Trong khi đó, trái phiếu này là trái phiếu có thể gây ra những rủi ro cho những nhà đầu tư chưa được kiểm định trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, phần đông những người bỏ tiền ra mua những trái phiếu này cũng là những nhà đầu tư tư nhân. Như vậy thừa nhận rằng, thị trường trái phiếu của Việt Nam có lẽ phải nghĩ đến việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia là chuyện bình thường.
Tính đến thời điểm này, chưa xảy ra doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà chưa thanh khoản được, kể cả những doanh nghiệp vừa có khủng hoảng trong năm vừa qua. Do vậy, GS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị, về mặt quy định, chúng ta cần tính đến việc chấp nhận cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu này. Về mặt nguyên lý, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu này cần xếp hạng tín dụng, cần tăng cường các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chỉ có 2 tổ chức xếp hạng, nhưng các tổ chức tham gia xếp hạng lại là doanh nghiệp không phát hành trái phiếu, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lại không tham gia xếp hạng.
Do đó, một mặt cần đẩy mạnh xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cần nêu trách nhiệm của các tổ chức đứng ra làm trung gian môi giới để kiểm soát thông tin, để bảo đảm các thông tin đó tuân thủ pháp luật, tránh những rủi ro; đồng thời chính là những cơ quan cảnh báo về khả năng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân.
Tổng Hợp