Theo HoREA, nếu không cho các tổ chức kinh tế mua đất nông nghiệp để làm dự án là thiệt thòi cho các tỉnh “thuần nông”
Trong văn bản góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề cập như trên.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, rất cần thiết bổ sung trở lại quy định cho phép tổ chức kinh tế được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, với điều kiện được UBND cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
Cụ thể, theo ông Châu, điểm b khoản 6 Điều 46 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận…”.
“Đây là quy định đúng và cần thiết để bảo đảm trách nhiệm của tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhằm mục đích sản xuất kinh doanh nông nghiệp thì phải có Phương án sử dụng đất nông nghiệp.
Nhưng, HoREA nhận thấy, Điều 46 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã bãi bỏ khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 là không đúng và không phù hợp, không đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường bất động sản”, ông Châu nhận xét.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng nhận định, khoản 1 Điều 107 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là sự “đổi mới tư duy về kinh tế của Nhà nước về vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển và khai thác, phát huy nguồn lực từ đất đai”. Nếu thực hiện được trên thực tế thì Nhà nước trở thành nhà cung ứng quỹ đất chủ yếu, lớn nhất trên thị trường sơ cấp về đất đai cho toàn bộ nền kinh tế.
Nếu có đủ nguồn vốn “mồi” ban đầu và hành động quyết liệt cũng phải mất 5-7 năm sau thì Nhà nước mới có thể trở thành nhà cung ứng quỹ đất chủ yếu, lớn nhất trên thị trường sơ cấp về đất đai cho toàn bộ nền kinh tế.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần thiết tiếp tục thực hiện chủ trương của của Đảng về “xã hội hoá” đầu tư, trong đó có phương thức cho phép tổ chức kinh tế được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
“Nếu không cho phép tổ chức kinh tế được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì rất thiệt thòi cho các tỉnh “thuần nông” trong việc tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, công nghiệp hoá và phát triển đô thị.
Tất nhiên, trước hết phải quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp chặt chẽ, nhất là đất trồng lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực rồi mới cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ngoài khu vực quy hoạch sang đất phi nông nghiệp, đất sản xuất, thương mại, dịch vụ, đất đô thị…”, ông Châu kiến nghị.
Trên thực tế, hiện nay đang có không ít ý kiến “quan ngại” cho rằng việc tiếp tục cho phép tổ chức kinh tế được mua đất đất nông nghiệp có thể dẫn đến làm thất thu ngân sách Nhà nước, làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, HoREA cho rằng, lo ngại này không có cơ sở.
Ví dụ: Công ty A có quyền sử dụng 10 ha đất nông nghiệp trồng cây cao su thuộc khu vực quy hoạch khu đô thị sân bay Long Thành, trong khu đất có 1 ngôi nhà với 100 m2 đất ở (phù hợp với quy định có “đất ở và đất khác”) nên được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo Điều 4 “Luật sửa đổi 9 Luật” và điểm b khoản 1 Điều 123 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và được tính tiền sử dụng đất 300 tỷ đồng.
Tổng Hợp
(Dân Việt)